Tòa soạn báo Thanh Niên cùng tác giả bài viết “Rửa vàng bằng cơ chế” hiện đang nổi đình nổi đám trên các phương tiện truyền thông cũng đã lên tiếng đính chính qua loa về việc đăng tải thông tin chứa đựng nhiều sai trái về chính sách quản lý thị trường vàng Việt Nam.
Đây chỉ là sự nhầm lẫn đáng tiếc (theo cách “đính chính” trên báo Thanh Niên) của phóng viên hay thực chất là một toan tính có chủ đích?
Sau khi bài viết “Rửa vàng bằng cơ chế” của tác giả Nguyên Hằng được đăng tải trên báo Thanh Niên số ra ngày 24/4, với những lời lẽ quy kết vô căn cứ “hàng tỷ USD nhập lậu vàng, các chính sách xuất – nhập và cuộc chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC trong thời gian qua hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để rửa số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào Việt Nam và hợp pháp hóa vàng lậu”… Những thông tin này đã nhanh chóng trở thành miếng mồi béo bở cho một số blog cá nhân lợi dụng xâu xé, hòng đả kích, khiến người dân mất niềm tin vào sự điều hành, quản lý của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Bài viết "Rửa vàng bằng cơ chế?" đăng trên mặt báo Thanh Niên ngày 24/04/2013.
Trước luồng thông tin này, Ngân hàng Nhà nước đã liên hệ với Hội đồng Vàng thế giới để làm rõ về nguồn gốc số liệu bài báo trích dẫn và cho biết: “số liệu về nhu cầu vàng của Việt Nam nêu trong báo cáo thường niên của Hội đồng Vàng thế giới thực chất là con số dự tính nhu cầu vàng của Việt Nam, hoàn toàn không phải là số liệu về số lượng vàng nhập khẩu mỗi năm của Việt Nam. Việc tác giả sử dụng số liệu về nhu cầu vàng hàng năm 2011 – 2012 của người tiêu dùng Việt Nam do Hội đồng Vàng thế giới ước tính để cho rằng đây là số lượng vàng nhập lậu vào Việt Nam là sai lầm nghiêm trọng, làm méo mó, sai lệch bản chất của số liệu trích dẫn”.
Sự nguy hại của những thông tin sai trái
Nhìn ra thế giới, như bài báo có tên “Hai vụ nổ xảy ra ở Nhà Trắng và Tổng thống Barack Obama bị thương” thực chất chỉ là tin vịt nhưng đã lập tức lan truyền với tốc độ chóng mặt và sức tàn phá dữ dội, và hậu quả chỉ trong nháy mắt, cơn hoảng loạn bao trùm các thị trường tài chính New York, Mỹ khiến gần 200 tỉ USD bốc hơi khỏi thị trường.

Nội dung bài viết được đăng trên báo Thanh Niên.
Sai trái của báo Thanh Niên không chỉ gây tổn thất về kinh tế mà còn gây hoang mang dư luận, dù sự việc đã được báo đính chính “tác giả bài viết do không hiểu chính xác các thuật ngữ kinh tế nên đã nhầm lẫn, dẫn đến sai sót khi phân tích về giao dịch vàng trong nước”, nhưng rõ ràng cái “sai sót ngây thơ” đó đã gây nên một mối hoài nghi lớn cho nhân dân. Đáng buồn hơn khi một tờ báo có tiếng tăm, vậy mà khi gặp chuyện thì lại vội đẩy quả bóng trách qua cho phóng viên ở lỗi dịch thuật, nhưng cái tiêu đề chứa đầy toan tính có định hướng đấy thì Báo Thanh Niên giải thích sao đây?.
Sự việc này lỗi đầu tiên ở người viết nhưng theo quy trình thì một bài viết trước khi được đăng tải cần phải qua sự kiểm duyệt thông tin của người chủ bút, không lý nào ông Nguyễn Quang Thông – Tổng biên tập báo Thanh Niên lại ẩu đến mức không kiểm duyệt thông tin, rồi cho đăng ngay trên trang nhất, là bài đinh trên cả báo mạng lẫn báo giấy. Đến khi sự việc vỡ lở thì vội vã đăng tin đính chính một cách qua loa cho êm chuyện. Không chỉ vậy, việc đính chính chỉ gói gọn trong khung nhỏ, trong khi bài viết thì dài hơn một ngàn chữ, như vậy rõ ràng bất hợp lý và phạm vào những điều trong luật báo chí Việt Nam.
Còn nữa, báo mạng thì rút bài, vậy báo giấy thì sao? khi mà thông tin đã lan tỏa đến hàng triệu độc giả cả nước, và những thông tin sai trái đó ngấm vào suy nghĩ của người dân.
Sự việc này có lẽ không đơn giản chỉ là một sai sót nghiệp vụ mà ắt hẳn còn có một ý đồ thâm sâu khác? Không chỉ riêng bài viết trên mà một số bài viết khác trên báo Thanh Niên như:“Khó giảm”, “Dân thiệt vì vàng”, “Voi đã chui lọt lỗ kim” (cùng một tác giả là Nguyên Hằng)… khi bàn về vấn đề kinh tế của Việt Nam đều có chung một giọng điệu. Những sai trái trong bài viết “Rửa vàng bằng cơ chế” đã được làm sáng tỏ, liệu có gì đảm bảo rằng những thông tin trước đó có bị suy diễn, bị bóp méo hàng loạt, hòng chuyển tải đến người đọc thông điệp sai lệch…?
Ở đây chúng ta cần đặt nghi vấn rằng, tại sao Nguyên Hằng một phóng viên gạo cội, tác giả quen thuộc của một loạt bài viết đánh vào chính sách điều hành kinh tế Việt Nam, lại có kiến thức về kinh tế tài chính như vậy? biết tìm từ các con số thống kê để đối chiếu với thực tế và đưa ra những suy luận “sốc” như vậy? Trả lời được những câu hỏi trên, chúng ta móc nối lại lời giải thích của Tổng biên tập báo Thanh Niên rằng “sai sót trên là do phóng viên không am hiểu những thuật ngữ kinh tế”, sẽ thấy rất phi lý, không thuyết phục. Đã mang danh là người làm báo, định hướng dư luận thì ai cũng đều tâm niệm câu “biết mới viết, không viết bừa” nhưng ở đây phóng viên Nguyên Hằng lại khác, phải chăng đây là loạt bài viết theo sự chỉ đạo của một thế lực bí ẩn nào đó, muốn núp danh báo Thanh Niên để hòng thực hiện mục đích cá nhân?
Việc lợi dụng truyền thông để phao tin đồn thất thiệt, gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, phá hoại chính sách điều hành của Nhà nước là hành động không thể chấp nhận được. Vậy nên, đề nghị Bộ Công An sớm đưa ra ánh sáng vụ việc này, xử lý nghiêm minh những cá nhân liên quan ở Báo Thanh Niên trước pháp luật và an dân.
Bạn đọc Dương Đại Việt
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả) / NguyenTanDung
No comments:
Post a Comment