Sunday, April 14, 2013

Âm mưu của Trung Quốc khi đề xuất cuộc họp đặc biệt với ASEAN?


Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã kết thúc tại Banda Seri Begawan, Brunei mà không thể đưa ra một tuyên bố chung về việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông như kỳ vọng trước đó của một số thành viên.
Tuy nhiên, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho hay, Trung Quốc đã chủ động đề xuất tổ chức một cuộc họp đặc biệt với tất cả các nước ASEAN. Cuộc họp dự kiến này sẽ nằm trong diễn biến chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN tại Brunei vào ngày 24 – 25/4 tới.
Hình minh họa
Hình minh họa
Động thái này tiềm ẩn những ngụ ý quan trọng do trước giờ Trung Quốc luôn muốn giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên nguyên tắc song phương với từng quốc gia riêng lẻ, né tránh đưa ra thảo luận ở cấp độ quốc tế, đa phương, trong khi hầu hết các nước ASEAN luôn muốn có tiếng nói thống nhất và ủng hộ thông qua Quy tắc ứng xử biển Đông.
Hiện nay, Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông với một loạt các nước: Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan… vậy nên cùng với việc từ chối thảo luận COC, và đưa ra cuộc họp đặc biệt này, dường như Trung Quốc muốn có thời gian để phá vỡ lập trường thống nhất của các nước ASEAN và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động leo thang ở biển Đông với cường độ nhiều hơn, phạm vi hoạt động rộng và táo tợn hơn.
Hồi năm 2002, ASEAN và Trung Quốc cũng đã ký một tuyên bố chung trong đó yêu cầu các bên cam kết sẽ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và không có những hành động đe dọa hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, nỗ lực nhằm tiến tới, hình thành bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc giữa các bên đến nay vẫn gặp nhiều trở ngại, vì những nguyên do xuất phát từ phía Trung Quốc.
Năm ngoái, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh đã không đạt được thỏa thuận cho một thông cáo chung, vì Campuhia nước Chủ tịch ASEAN 2012, đã đứng ra ủng hộ Trung Quốc tránh đưa tranh chấp lãnh thổ với từng quốc gia lên cấp độ quốc tế.
Năm nay, với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN, Brunei ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại trên tinh thần đảm bảo an ninh, ổn định, đồng thời sẽ tham vấn các nước lớn và các nước liên quan về vấn đề này. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, ASEAN có thể tiến đến một lập trường chung về biển Đông, khôi phục niềm tin sau tai tiếng thiếu đoàn kết hồi năm ngoái tại Phnom Penh.
Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ ASEAN trong vấn đề Biển Đông và khẳng định sẽ có tác động mạnh mẽ lên những nỗ lực của các nước thành viên trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Chỉ còn hai tuần lễ nữa, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ được tổ chức tại Brunei. Hy vọng rằng, với những nỗ lực của các thành viên ASEAN sẽ góp phần phá vỡ những âm mưu, toan tính và bế tắc trong tiến trình giải quyết tranh chấp chủ quyền biển Đông thời gian qua.
Bạch Dương
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả) / Nguyễn Tấn Dũng

No comments:

Post a Comment