Hiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đang tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 22, trong hai ngày 24 – 25/4 tại Brunei để xúc tiến việc thành lập cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hy vọng hàn gắn được những rạn nứt xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông giữa một số nước thành viên với Trung Quốc.
Trong bối cảnh chủ quyền trên biển Đông là vấn đề sống còn đối với Việt Nam thì đòi hỏi vai trò, trách nhiệm và tiếng nói của Thủ tướng càng to lớn hơn. Có một quy luật bất di bất dịch là các nước dù muốn dù không thì cũng đều đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết, vậy nên Thủ tướng sẽ phải thể hiện vị thế của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền lãnh hải. Cần chủ động, mạnh dạn đưa ra đề xuất, giữ vững lập trường và bày tỏ quan điểm để các nước trong khu vực nói riêng và quốc tế nói chung đồng thanh ủng hộ. Để thế giới càng thế rõ hơn Việt Nam không hề muốn gây hấn mà luôn duy trì con đường hòa bình với Trung Quốc. Do đó, Việt Nam phải bảo vệ lợi ích chính đáng của mình bằng việc công khai hóa, quốc tế hóa vấn đề tranh chấp biển Đông, điều này không chỉ tốt cho Việt Nam và còn tốt cho cả cộng đồng ASEAN.Việc Hội nghị Cấp cao ASEAN 22 có thể đưa ra một tuyên bố thống nhất về chủ quyền biển Đông hay không vẫn còn là một ẩn số? Song có một điều chắc chắn rằng ngay khi kết thúc Hội nghị này trở về nước thì sẽ có nhiều vấn đề trong nước đang chờ Thủ tướng giải quyết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Đơn cử như câu chuyện nên hay không xây cầu vượt qua di chỉ Đàn Xã Tắc (Hà Nội). Hiện đang có hai luồng dư luận trái chiều nhau về vấn đề này, phía Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng các giáo sư: Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Nguyễn Quang Ngọc – Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền… đều đồng lòng lên tiếng phản đối việc Thủ đô Hà Nội cho xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc vì cho rằng đây là “bàn thờ trời đất” của tổ tiên, vậy nên con cháu không nên có những hành động bất kính. Nghiêm trọng hơn khi báo chí đăng tải ý kiến “người ngu mới nói phá Đàn Xã Tắc để xóa tàn dư phong kiến” của Nhà sử học Dương Trung Quốc khi hay tin Hiệp hội Vận tải đề xuất nên phá đàn Xã Tắc, xây dựng cầu vượt để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực này. Sau khi thông tin này được phát đi, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội lập tức có phản ứng, và ông Dương Trung Quốc cũng đã công khai trước báo giới gửi lời xin lỗi tới ông Bùi Danh Liên song ông vẫn giữ lập trường phản đối hành động phá dỡ Đàn Xã Tắc.
Phía đơn vị xây dựng, Ban quản lý các dự án trọng điểm của Hà Nội vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của mình và khẳng định việc xây dựng cầu vượt sẽ không trùm lên di tích, vì phần mố cầu chỉ chạm vào mép khu vực khoanh vùng.
Đến nay cuộc tranh luận vẫn không thể đưa ra một kết quả đồng thuận, vậy nên Nhà sử học Dương Trung Quốc đã ký một văn bản của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan khác đề đề nghị tổ chức cuộc gặp với các cơ quan liên quan, các nhà khoa học lịch sử, nhà khảo cổ học, để làm rõ một số nội dung thông tin liên quan đến dự án này.

Đàn Xã Tắc - Hà Nội
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có thông báo cụ thể về việc bảo tồn khu di tích Đàn Xã Tắc – Hà Nội. Nêu rõ: “Đàn Xã Tắc là di tích lịch sử gắn với Kinh thành Thăng Long, có ý nghĩa lịch sử quan trọng, cần phải được bảo tồn song cũng cần bảo đảm việc phát triển giao thông đô thị khu vực này”.

Khu vực xây cầu vượt ở nút giao thông Ô Chợ Dừa
Thực tế để có thể bảo tồn một di tích một di tích lịch sử, gắn liền với đời sống tâm linh của người dân là điều cực kỳ quan trọng của đất nước. Song Hà Nội là một đô thị đang phát triển mạnh, đồng thời cũng là nơi tập trung khá nhiều Đền thờ, Đình, Chùa… Vì thế đây là vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp, vậy nên đòi hỏi Thủ tướng phải bàn thảo, tính toán kỹ lưỡng để giải quyết vấn đề một cách thấu đáo, hợp tình hợp lý nhất để vừa gìn giữ được một di tích có một không hai của Thủ đô, vừa không vi phạm cảnh quan văn hóa chung lại giải quyết được vấn nạn ùn tắc giao thông của thành phố. Tin rằng khi vấn đề được trình lên Thủ tướng và đưa ra bàn thảo tính toán kỹ lưỡng thì tất cả các bên sẽ đi đến được sự đồng thuận thống nhất.
Bạch Dương
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả) / Nguyễn Tấn Dũng
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả) / Nguyễn Tấn Dũng
No comments:
Post a Comment