Trên sân khấu, lúc nào nghệ sĩ hài Văn Hiệp cũng mang tiếng cười đến cho mọi người, mọi nhà. Còn nhớ, khi chương trình “gặp nhau cuối tuần” phát sóng, người xem ấn tượng mạnh về ông với bộ quần áo bộ đội cũ, chiếc mũ dân phòng, băng rôn đỏ ở tay và chiếc còi giắt túi áo. Mỗi khi tranh chấp giữa Giang Còi và Quang Tèo nổ ra là ông trưởng thôn Văn Hiệp lại từ đâu chạy tới, tuýt còi ngừng cuộc đấu khẩu để phân giải. Với lối diễn xuất hài hước, ông đã đem về cho khán giả xem chương trình khóc, cười nghiêng ngã. Thế nhưng hiếm ai biết rằng nụ cười ấy lại đến từ trái tim 20 năm sống cô đơn, khắc khổ; hằng ngày phải đối diện với ốm đau bệnh tật và thường trực, trong túi không có tiền.
Lúc còn sinh thời, nghe câu nói thế này của ông bầu Xuân – Diệp Nam Thắng: “Đời nghệ sĩ mấy ai thoát được chữ nghèo. Nghiệp cầm ca là những chuỗi ngày bất định lênh đênh khắp nơi sống đời “chợ gạo nước sông”, “ăn đình ngủ chợ”. Trên sân khấu có thể là ông hoàng, bà chúa nhưng khi màn nhung khép lại thì dằng dặc một sự trống trải, cô đơn. Đến khi sắc tàn, hơi cạn thì nhìn quanh mình chẳng còn ai. Mà nghệ sĩ là vậy, sống nay chớ không biết đến ngày mai…” nghệ sĩ Văn Hiệp rất tâm đắc. Có lẽ nó trùng khớp với hoàn cảnh của ông thì phải?

Diễn viên hài Văn Hiệp.
Ông bảo, đúng như những gì ông bầu Xuân nói, “đời nghệ sĩ là vậy…! Nhưng đã lỡ yêu nghề rồi thì biết làm sao, đành sống trọn đời với cái nghề, với cái nghiệp mà thầy tổ đã cưu mang suốt thời gian qua. Nếu như không có cái nghề diễn, chắc còn buồn hơn. Bà nhà đi nước ngoài lâu rồi, mặc dù tôi sống với con, cháu nhưng già, lớn tuổi rồi mà không có vợ bên cạnh, nhiều khi đi diễn về, đối diện với cô đơn, bệnh tật, thấy hục hẫng lắm”…
Gắn bó với nghiệp diễn 40 năm, tham gia hơn 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện. Ngần ấy năm và số tiền cát-xê thu được, ông để dành nuôi con, khi mà vợ ông đi xuất khẩu lao động ở Đức. Hai vợ chồng ông sống ly thân nhưng không ly hôn. Mấy mươi năm, ông chỉ có sân khấu, đồng nghiệp là bạn, là người thân và tiếng cười của khán giả chính làm niềm vui lớn nhất. Trăn trở nhất là, trên sân khấu vui bao nhiêu thì lúc ánh đèn sân khấu khép lại thì ông đối diện với sự cô đơn, buồn tủi của một kiếp người bấy nhiêu.

Văn Hiệp với nụ cười quen thuộc.
Rồi, những năm cuối đời tìm đến, ông phải đối mặt thêm nỗi buồn khi mà ốm đau bệnh tật liên miên, trong túi lại không mấy dư dả. Nhiều lần tuyệt vọng, ông từng nói với con, “nếu bố có làm sao thì để thở oxy một hai buổi rồi rút ra nhé, vì nhà mình chẳng có tiền”. Suốt một năm nay, ông bệnh nặng, không đi diễn hay đóng thêm bộ phim nào nên không có tiền cát-xê. Ông không muốn trở thành gánh nặng cho con, cho cháu nên ôm hết nỗi đau vào lòng.

Người xem ấn tượng mạnh về ông với bộ quần áo bộ đội cũ, chiếc mũ dân phòng.
Có bao nhiêu tiếng cười ông mang tặng hết cho đời, chỉ giữ lại những năm tháng dài rộng, nỗi cô đơn, buồn tủi và những căn bệnh quái ác. Xem nghề diễn viên như là điểm tựa tinh thần, là niềm đam mê của cả đời nên những tháng ngày dưỡng bệnh, ở nhà ông nhớ nghề vô cùng. Hễ cứ gặp lại ai thân quen là tay bắt mặt mừng rồi cười sảng khoái. Nhiều lần nghe ông nói “ráng hết bệnh rồi đi diễn. Ngồi ở nhà cả năm, nhớ nghề quá rồi”, đồng nghiệp, thế hệ đi sau như Xuân Bắc lại chạnh lòng rồi phục ông sát đất. Đúng là, một người nghệ sĩ đúng chất, luôn hết lòng với nghề như ông bây giờ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay!
Hôm nào khỏe, không đến bệnh viện là ông đến các phim trường, xem đồng nghiệp diễn. Đặc biệt là ông không hề than đau, trừ khi ông đau quá (trước vài ngày ông mất). Sống đem vui cho người, lại không muốn ai buồn khi biết ông đau bệnh nên khi ông mất, lối xóm ngỡ ngàng, đau xót. Khi báo đài tìm đến nhà ông chia buồn, thấp cho ông nén nhang, một chị bán hàng ở đầu ngõ sau khi chỉ giúp lối vào nhà nghệ sĩ, chị còn với theo nói: “Mấy hôm trước đi viện về, ông ấy vẫn đi qua đây mà!”.
Nghe tin nghệ sĩ hài Văn Hiệp mất, vợ ông đã hồi đáp sẽ về dự lễ tang. Giây phút này, ông đã mỏi mòn chờ đợi suốt 20 năm kể từ ngày vợ ông sang Đức. Nếu như được gặp vợ lần cuối trước khi về với cát bụi, chắc là ông mãn nguyện lắm. Nhưng trớ trêu thay, cái nghịch duyên của tình người. Âu đó cũng là duyên nợ….?
Hải Dương
No comments:
Post a Comment