Vụ án tham nhũng tại Vinalines đã khép lại hôm 16/12/2013, có hai bị cáo chịu mức án tử hình đó là Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, đây là kết quả đã giải tỏa phần nào nỗi bức xúc của người dân về vụ Đại án này. Tại phiên xét xử Dương Tự Trọng cùng 6 đồng phạm tổ chức đưa Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng) bỏ trốn diễn ra ngày 8/1/2014, ông Dũng xuất hiện với tư cách một nhân chứng. Không vượt qua được tình thân máu mủ, từ đỉnh vinh quang Dương Tự Trọng đã tự biến mình thành trọng phạm, nhiều người theo dõi phiên tòa thốt lên rằng “tiếc cho Dương Tự Trọng”!
![]() |
Phải chăng "ai đó" và Dương Chí Dũng đang dắt mũi truyền thông và dư luận? |
Một tình tiết gây bất ngờ như đã được sắp đặt từ trước, tử tù Dương Chí Dũng với tư cách là “nhân chứng liên quan” đã chủ động khai ra các thông tin “động trời chưa từng được tiết lộ”, từ đó đẩy dư luận lên đến đỉnh điểm, nghi vấn nối tiếp nghi vấn, các tờ báo lớn bé, trong ngoài thi nhau kéo bè kết cánh cùng đồng ca thông báo “tin giật gân” với giọng điệu hả hê.
Nhưng sự thật là những tình tiết chưa được công bố liên quan đến lời khai trong bản khai và xin lỗi ông Ngọ vì đã vu oan cho ông do hoảng loạn tâm thần và căm tức ông Ngọ về việc chỉ huy quân lùng bắt từ Campuchia về Việt Nam đều có trong hồ sơ điều tra mà toà án đang giữ. Không hiểu vì sao Tòa án lại không công khai thông tin này, làm cho các tờ báo gần như đồng loạt đưa tin một chiều hướng đến lời khai của Dương Chí Dũng mà chưa biết rõ đầu đuôi câu chuyện ra sao, tạo điều kiện cho bè lũ phản động, cơ hội chính trị hô phong hoán vũ, chửi Đảng, chửi chế độ điên cuồng. Có uẩn khúc gì ở đây chăng?
Bị tòa án khép tội chết ở phiên tòa trước, thì tại phiên tòa này, Dương Chí Dũng điên cuồng khai theo kiểu “trâu bẩn vấy bùn” nhằm tung hỏa mù, hạ uy tín Bộ Công an. Mà với đà này trong phiên tòa kế tiếp, Dương Chí Dũng sẽ tiếp tục “thành khẩn” khai báo việc đã đến thăm nhà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nữa cũng không chừng (Theo luật định: Chủ tịch nước có quyền quyết định đặc xá và ân giảm án tử hình).
Có một chi tiết rất lạ là ngay sau khi Dương Chí Dũng khai, thì không hiểu vì sao ngay lập tức, Hội đồng xét xử quyết định tuyên bố khởi tố vụ án hình sự làm lộ bí mật công tác. Ví dụ Dương Chí Dũng mà khai đã xách va ly đầy tiền đến thăm nhà Chủ tịch nước thì liệu Hội đồng xét xử có quyết định tuyên bố khởi tố vụ án hình sự làm lộ bí mật công tác không?
Trong bài “Suy ngẫm về lời khai của Dương Chí Dũng cho Tướng Phạm Quý Ngọ”, tác giả bài viết – nhà báo Nguyễn Như Phong cũng đã viện dẫn cho thấy việc Dương Chí Dũng khai ông Ngọ nhận tiền ngay tại thời điểm bị bắt tại Campuchia đã được báo cáo lên các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước và xác minh hết sức cẩn trọng. Và việc ông Ngọ vẫn được Chủ tịch nước phong cấp hàm Thượng tướng là minh chứng rõ nhất cho việc ông không ăn hối lộ của Dương Chí Dũng.
Với những tình tiết Dũng khai trước Tòa, người ngoài nghe thì sẽ thấy đơn giản và việc mang tiền đi biếu xén, việc gọi điện thoại thông báo cho nhau “nhẹ như không”. Nhưng họ không hiểu rằng, ông Phạm Quý Ngọ khi ấy là Trưởng ban Chuyên án Vinalines, là người đề xuất các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt để giám sát Dương Chí Dũng, đảm bảo nhất cử nhất động của Dũng đều được biết. Không đời nào ông lại dại dột dùng điện thoại của mình hoặc mượn điện thoại ai đó gọi cho Dương Chí Dũng. Và chính ông là người ký lệnh bắt Dương Chí Dũng, rồi cũng chính ông chỉ huy việc lùng bắt.
Ngoài ra, việc Dương Chí Dũng mang 500.000 đô la đến nhà ông Ngọ mà lại qua mắt được lực lượng trinh sát thì quả thật là rất lạ. Hơn thế nữa lại ngang nhiên mang đến nhà riêng Thứ trưởng Bộ Công an, thì xem ra câu chuyện này rất vô lý!
Từ cổ chí kim, các vụ trọng án đều có những tình tiết ly kỳ và không thiếu chuyện bị cáo điên loạn ra Tòa khai đổ vấy cho người khác. Chỉ có điều, nếu chỉ căn cứ theo những lời khai ấy mà không thu thập đầy đủ thông tin rồi suy diễn thì xem ra thật bất công!
Rất mong các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật xử lý mọi việc thấu tình đạt lý, không bỏ lọt tội phạm, không để oan sai, đem lại niềm tin cho nhân dân.
Nguyễn Văn Nam
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả
No comments:
Post a Comment