Trích một lời nhận định của một tờ báo ngoại quốc để mời lời cho bài viết này: “Bản lĩnh khi đối diện với khó khăn, quả cảm trước những vấn đề “ngàn cân treo sợi tóc”, ông là vị thủ tướng có tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng đối với công cuộc đổi mới tại đất nước này”. Đó là góc nhìn quốc tế, vậy trong nước nhìn nhận ông ra sao?
***
Bản lĩnh giữa nghị trường
Một năm trước, hẳn nhiều người còn nhớ đến lời phát biểu của một “ông nghị” khi nói đến văn hóa từ chức “đánh trực diện” vào cá nhân Thủ tướng. Không bất ngờ trước câu hỏi đầy hàm ý đó, Thủ tướng đã bình tĩnh nói thế này: “…gần suốt cả cuộc đời theo Đảng, tôi không có chạy, không có xin, không có thoái thác từ chối nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước phân công. Tôi sẽ tiếp tục nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm suốt 51 năm qua”. Chỉ có thể là người đã hội đủ các phẩm chất can đảm và tinh thần trách nhiệm mới có thể nói như thế trước Quốc hội, trước hàng ông nghị, bà nghị và bàn dân thiên hạ coi truyền hình mà trong đó không thiếu ánh mắt, nụ cười đầy mỉa mai hướng đến vị Thủ tướng.
Từng tuyên bố trước Quốc hội “Tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm về khuyết điểm của Chính phủ”, và đây thực sự là một trong những tuyên bố thẳng thắn và khó khăn nhất của ông, một trong những Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Việt Nam từ năm 1975.
Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hồi giữa năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được hơn 70% đại biểu ủng hộ. Tôi biết chắc là ngoài đa số ủng hộ ông thì cũng không ít kẻ đã âm thầm triệt hạ uy tín của ông bằng 30% lá phiếu còn lại. Nhiều con mắt tò mò pha lẫn thắc mắc đổ dồn đến kết quả tín nhiệm của Thủ tướng. Ai cũng biết đây là một kết quả khá thấp, không phản ánh đầy đủ khả năng thực sự của ông.
Ông vẫn giữ được vẻ mặt tươi cười có phần cương nghị, dáng đi khẳng khái sẵn có của mình khi biết kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Có lẽ tôi và nhiều người trong hội trường hôm ấy cũng muốn chia sẻ với ông nhưng lại thôi. Bởi vì đây chỉ là lần đầu bỏ phiểu tín nhiệm theo kiểu cào bằng và đầy cảm tính, không căn cứ vào thước do chuẩn mực nào. Người có nhiều công lao và bị đụng chạm nhiều thì tín nhiệm thấp cũng là điều dễ hiểu.
Bên ngoài hành lang Quốc hội hôm đó, không khó để thấy những nụ cười hả hê của một số ông nghị, mà bản thân tôi biết rõ là họ không ưa gì ông. Ông chỉ nói ngắn gọn: “Các con số đã nói lên tất cả”. Tôi và nhiều người đã lo lắng không biết ông có đứng vững được trước sóng ngầm nơi nghị trường hay không? Sau này tôi mới biết, có lẽ lo lắng đó của tôi hơi thừa.
Không chỉ trong nghị trường, nơi người ta vẫn có thể đối xử kiểu đạo đức giả trên diễn đàn Quốc hội, mà cả các đại gia tài chính, bất động sản, nhóm lợi ích đang vơ vét của cải xã hội bị mất miếng ăn cũng chỉ trích ông.
Không hề buồn bã, thậm chí ông lại tỏ ra hòa nhã với bản tĩnh sẵn có. Phải chăng với ông, cuộc bỏ phiếu hôm ấy chỉ một thách thức nhỏ để ông thể hiện bản lĩnh hơn nữa cũng chừng.
Hiên ngang giữa cuộc đời
Thay vì thất vọng với kết quả bỏ phiếu tín nhiệm thăm dò dư luận, ông vẫn kiên định với con đường đã chọn. Ông không muốn buông các chính sách tài khóa cứng rắn đang áp dụng để hướng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, phát triển nông nghiệp nông thôn khi mà nền kinh tế đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Những biện pháp quyết liệt, cứng rắn và chưa từng có tiền lệ đã được ông và các cộng sự thực hiện như, tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, đấu thầu vàng miếng nhằm cứu thị trường tài chính, tiền tệ đang rơi vào hỗn loạn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và từ sự quản lý yếu kém từ nhiều năm trước để lại. Ông đã ủng hộ và quan tâm rất lớn đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân ở nông thôn, miền núi và hải đảo bằng việc chỉ đạo thực hiện các chính sách ưu đãi rất lớn và lâu dài.
![]() |
Thủ tướng đã kiên trì thực hiện các chính sách đã chọn nhằm đưa nền kinh tế vào ổn định và phát triển. |
Ông và các cộng sự tiếp tục thắt chặt giao dịch ngoại tệ và giảm lãi suất ngân hàng để kiềm chế lạm phát, bất chấp sự không hài lòng của giới tài chính và bất động sản. Ông đã chấp nhận mất đi sự ủng hộ từ các nhóm này và những chủ nhân của các lá phiếu không tín nhiệm, nhưng chắc chắn ông được sự ủng hộ của người dân khi nền kinh tế đã bắt đầu có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực và nền tảng ngày càng vững chắc cho chương trình chuyển đổi an sinh xã hội.
Chấp nhận “búa rìu” vì dân
Thường thì tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại. Nhưng ông và các cộng sự đã làm ngược lại. Ông đã chỉ đạo công khai hàng loạt các thông tin được cho là nhạy cảm. Lần đầu tiên Việt Nam là một trong ít các quốc gia đã công khai con số nợ xấu ra trước bàn dân thiên hạ!
Tôi còn nhớ, có lúc không ngày nào không có những bài báo chê bai đủ điều các chính sách, cách làm mà ông là người khởi xướng, chỉ đạo, điều hành. Không phải là người có bản lĩnh có lòng can đảm thì chắc chắn không đủ tự tin để thực hiện những chính sách cứng rắn đó trước búa rìu dư luận.
Có người tỏ ra không tin vào chỉ đạo điều hành của Chính phủ ở những lĩnh vực có nhiều nhạy cảm. Nhưng không! Dư luận rúng động vì hàng loạt thông tin bắt các đại gia ngân hàng, các lãnh đạo cao cấp là câu trả lời và mở màn cho một loạt sự kiện đáng nhớ!
Bị chỉ trích rất nhiều về chính sách tiền tệ, nhưng ông và các cộng sự vẫn kiên trì theo đuổi trong suốt hai năm qua đối với các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Và cuối cùng đã ổn định được tỷ giá đồng tiền Việt Nam và tăng được dự trữ ngoại hối. Đây là lúc tiềm lực dự trữ ngoại hối đã đủ mạnh để thị trường không thể làm mưa làm gió như trước.
Không những thế, Chính phủ lại làm được điều mà trước đây chưa bào giờ làm được mà theo như lời nhận định của TS. Trần Du Lịch là vừa kiềm chế được lạm phát vừa giảm được lãi suất. Hai việc đấy ngược nhau là muốn chống lạm phát thì phải tăng lãi suất nhưng nay chống được lạm phát nhưng lại giảm được lãi suất. Để đạt được những điều như vậy phải khẳng định sự đúng đắn của chính sách tiền tệ.
Thành công của ông được các tổ chức tài chính, tiền tệ có tiếng tăm trên thế giới đánh giá cao, tạo đà quyết tâm làm lành mạnh hóa thị trường tài chính, tiền tệ…
Thực tế là câu trả lời
Nói đến tình hình hiện nay, người ta có thể nói ngay rằng, chưa bao giờ thị trường tiền tệ, lãi suất ngân hàng, thị trường vàng lại được yên bình như hiện nay. Cảnh người dân náo loạn đua nhau mua vàng tích trữ, buôn vàng theo kiểu lướt sóng đã không còn. Cũng chưa bao giờ đồng tiền Việt Nam lại có vị thế cao như hiện nay. Các doanh nghiệp như đang được hồi sinh qua cơn bão.
Những kẻ đại gia lắm tiền nhiều của lớn lên từ đầu cơ bất động sản cũng không còn cơ hội, và đa số người dân nghèo được hưởng lợi vì giá đất đang đi về với giá trị thật của nó. Tất nhiên, những biện pháp quyết liệt của ông cũng đã làm vơi đi túi tiền của những kẻ bao năm nay làm giàu bằng việc đầu cơ bất động sản, ngoại tệ và đặc biệt là đầu cơ vàng.
“Kịch bản” xấu đã không xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam, dù cho vấn đề nợ xấu cuối năm ngoái đã phủ một màu xám xịt lên bức tranh tài chính, ngân hàng của đất nước. Niềm tin đã kéo các nhà đầu tư trở lại thị trường Việt Nam với những tín hiệu sáng sủa.
Hình ảnh gần 10 ngàn doanh nghiệp “sống lại” và sự “gượng dậy” ngoạn mục của nền kinh tế chính là bằng chứng sống động cho thấy những chính sách và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh mà Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành, chỉ đạo đang phát huy tác dụng, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đó thực sự là một con số có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn “vượt cạn”.
Ông tiếp tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tỷ giá; tiếp tục rà soát, điều hành lãi suất phù hợp với chiều hướng giảm của lạm phát mặc cho các “nhóm lợi ích” tài chính, bất động sản kêu gào hỗ trợ, ứng cứu. Và ông thực chất đã đúng.
Và kết quả là giảm lãi suất ngân hàng xuống còn một phần ba, dự trữ ngoại tệ tăng ba lần, nợ xấu đã được giải quyết một phần, đảm bảo thu ngân sách. Những việc làm của ông và cộng sự đã góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô là điều mà nhiều người phải công nhận.
Thật bất công và cũng dễ hiểu, những người có công lao như ông hoặc các tư lệnh ngành cứng rắn, quyết đoán, dám nghĩ dám làm thì nhiều khi lại không được ủng hộ thậm chí có người còn cao giọng ở nghị trường, trên mặt báo nói về văn hóa, “lợi ích nhóm”.
Tấm chắn bảo vệ chủ quyền
Trước những lo lắng về nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, ông lại là người thể hiện được bản lĩnh và lòng can đảm bằng hàng loạt các hành động như: lần đầu tiên tuyên bố trước Quốc hội và lên án Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa của Việt Nam. Không chỉ dừng lại đó, ông đã trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo các cường quốc có nền công nghiệp quốc phòng mạnh như Nga, Mỹ, Nhật, Israel …. để hợp tác hiện đại hóa quân đội, cung cấp trang thiết bị vũ khí tiên tiến cho các quân binh chủng trên cả nước.
Kết quả là, đã đem về cho đất nước những vũ khí tối tân như tàu ngầm, máy bay, tàu chiến, tàu tuần tra, tên lửa, các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến tác chiến điện tử…. đủ sức răn đe những kẻ nóng đầu ở bên ngoài bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát một tổ hợp tên lửa bờ Bastion của Đoàn 681 hải quân ở Bình Thuận |
Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, một loạt các đại gia, các lãnh đạo ngân hàng, tập đoàn lớn được đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Chưa bao giờ báo chí lại được thoải mái đề cập đến những vấn đề phức tạp và nhạy cảm này nhiều như thời gian vừa qua.
Mới đây nhất khi được các nhà sử học đề cập đến vấn đề nhạy cảm là kỷ niệm các sự kiện như: Hải chiến Hoàng Sa 1974, Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, Thủ tướng đã trả lời ngay : Phải kỷ niệm! Thật sự tôi đã rất mừng khi đọc thông tin này.
Báo chí bắt đầu lên tiếng
Bây giờ người dân đã bắt đầu hiểu những gì ông phải chịu đựng, những gì ông đã đóng góp, không chỉ báo chí trong mà ngoài nước cũng đã có hàng loạt bài viết ca ngợi việc làm của ông như: Trang tin điện tử MalayMail Online tại Malaysia có bài viết “Nguyễn Tấn Dũng, một nhà lãnh đạo Việt Nam thực thụ” nói về Thủ tướng Việt Nam đã giúp vực dậy cả nền kinh tế Việt Nam thông qua hàng loạt chỉ đạo điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất ngân hàng. Tờ The Korea Herald của Hàn Quốc có bài viết “Vai trò quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” nói đến bản lĩnh khi đối diện với khó khăn, quả cảm trước những vấn đề “ngàn cân treo sợi tóc” của vị thủ tướng có tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng đối với công cuộc đổi mới tại đất nước.
Nhiều học giả danh tiếng trên thế giới đã dành cho ông những lời ngợi khen, ủng hộ những thông điệp của ông về “xây dựng niềm tin chiến lược” tại Đối thoại Shangri-la như chìa khóa để gìn giữ hòa bình và thúc đẩy sự phát triển. Từ sau chiến tranh tới nay, ông là vị nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam có tầm ảnh hưởng như vậy tới chính trường quốc tế.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia nhân định: Với thông điệp mềm dẻo nhưng trí tuệ và sắc sảo, ông tỏa sáng khi bàn về một niềm tin giữa các nước với nhau nhằm củng cố, giữ gìn an ninh châu Á, hòa bình khu vực và thế giới. Cũng niềm tin ấy, ông Dũng đang hướng các nhà đầu tư tới với Việt Nam và nhìn Việt Nam với cái nhìn dài hạn và tin tưởng.
Với bản lĩnh, kinh nghiệm và tầm nhìn xa của mình, trong Thông điệp đầu năm 2014 của mình, ông đã đề cập đến các vấn đề hết sức căn bản và toàn diện về các vấn đề phát triển của Việt Nam. Và những vấn đề được đề cập ở trong thông điệp đặc biệt tập trung vào ba chủ đề đó là phát triển dân chủ, cải cách thể chế và phát triển nông nghiệp, thì đều là những vấn đề hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
Để kết thúc bài viết này, tôi mượn một nhận định của một bài báo trên tờ Korea Herald như sau: Ông đã giải quyết rất tốt bài toán “trong ấm, ngoài êm” trong bối cảnh Việt Nam cần có những quyết định lớn và dứt khoát để đối phó với những thử thách đối nội và đối ngoại, đồng thời nắm bắt thời cơ.
Kính chúc ông mạnh khỏe và thành công
Võ Lâm
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
No comments:
Post a Comment