Ngày 17/6, sau khi chính phủ Indonesia quyết định tăng giá xăng dầu lên 33% mặc cho hàng ngàn người dân biểu tình phản đối khắp nước này.
Theo đó, các nhà lập pháp Indonesia đã bỏ phiếu thông qua một kế hoạch điều chỉnh chi tiêu ngân sách nước này, theo đó tăng giá xăng lên 33%.
Quốc hội Indonesia thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách quốc gia với 338 phiếu thuận và 181 phiếu chống, trong khi có trên 3.000 người biểu tình đụng độ với cảnh sát trước tòa nhà Quốc hội vào ngày 17/6.
Theo kế hoạch mà Quốc hội Indonesia thông qua, giá xăng sẽ tăng từ 4.500 rupiah (0,46 USD)/lít lên 6.500 rupiah (0,65 USD) trong vòng bốn tháng tới, nhằm cắt giảm ngân sách nhà nước trợ giá xăng dầu.
Cũng theo kế hoạch này, hàng triệu người nghèo sẽ được trợ cấp một lượng xăng dầu trị giá 150.000 rupiah (15 USD) một lần trước khi giá xăng tăng.
![]() |
Người dân Indonesia biểu tình phản đối quyết định tăng giá xăng của Chính phủ tháng 3/2012. |
Trước đó Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono từng cho rằng biện pháp hỗ trợ người nghèo (150.000 rupiah, chỉ một lần) là cần thiết trước khi tăng giá xăng.
Tuy nhiên, hàng ngàn người biểu tình ở khắp Indonesia lên tiếng phản đối kế hoạch trên, cho rằng việc tăng giá xăng sẽ khiến giá cả mọi thứ tăng cao, kêu gọi chính phủ Indonesia hủy bỏ kế hoạch này.
Chính phủ Indonesia đã phải huy động hàng chục nghìn cảnh sát và lực lượng an ninh được triển khai ở khắp thủ đô Jakarta để đảm bảo an ninh.
Người biểu tình đã giận dữ ném đá, chai vào lực lượng an ninh trước Quốc hội Indonesia, buộc lực lượng an ninh và cảnh sát phải dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông.
Hồi đầu năm 2012, người dân Indonesia cũng đẫ tổ chức cuộc biểu tình lớn phản đối Chính phủ nước này tăng giá xăng dầu. Theo đó ngày 28/3/2012, hàng chục ngàn người Indonesia đã biểu tình rầm rộ ở nhiều thành phố để phản đối việc giá nhiên liệu tăng thêm 30% bắt đầu ngày 1/4/2012.
Cuộc biểu tình sau đó đã biến thành bạo động. Theo báo Jakarta Post, tại nhiều thành phố, trong đó có thủ đô Jakarta, người biểu tình ném đá, bom xăng và gậy gộc về phía cảnh sát. Lực lượng an ninh phải dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông. Một số cảnh sát và người biểu tình đã bị thương.
Hiện các phương tiện cơ giới ở Indonesia được hưởng mức giá xăng thấp nhất ở châu Á nhờ vào chính sách trợ giá nhiên liệu kéo dài hàng thập niên qua của Chính phủ. Theo Reuters, trợ giá nhiên liệu đã ngốn hết khoảng 18 tỉ USD của Chính phủ Indonesia mỗi năm.
(Baodatviet)
No comments:
Post a Comment