Sunday, June 30, 2013

Nhà báo Nguyễn Như Phong (Petrotimes) bị trúng độc

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, nhà báo Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập báo Năng lượng Mới và PetroTimes đã gặp chuyện không may trong chuyến đi đến sa mạc Sahara để viết về một đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang thăm dò, khai thác dầu tại đây.
Nhà báo Như Phong và người lính Algerie bảo vệ giàn khoan PVD-11
Giàn khoan dầu PVD-11 của Tổng Công ty PV Drilling nằm trên sa mạc Sahara, cách thị trấn Hassi Messaoud khoảng 130 km và cách thủ đô Algiers của nước Cộng hòa Algerie gần 1000km về phía Nam. Thị trấn này cũng nằm trong sa mạc Sahara.
Đây là nơi có khí hậu khắc nghiệt vào loại nhất thế giới. Mùa này, nhiệt độ ban ngày thấp nhất cũng là 45 độ, còn từ 54 độ trở xuống là “bình thường”. Giàn khoan PVD-11 của PV Drilling đã khoan 6 giếng ở đây từ năm 2007, phục vụ cho liên doanh giữa Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) với hai công ty của Thái Lan và Algerie. Kết quả cho thấy đây là khu mỏ có nhiều triển vọng to lớn và khả năng sẽ đón dòng dầu thương mại vào cuối năm 2014 (tất nhiên đấy là không gặp những sự cố như vụ khủng bố hồi tháng 1 vừa qua, hoặc những biến động về chính trị).
Giếng cổ Messaoud.
Sau khi ra giàn khoan 2 ngày, nhà báo Nguyễn Như Phong trở về thị trấn Hassi Messaoud và đến thăm chiếc giếng cổ hơn 1000 năm tuổi, do ông Messaoud tìm thấy. Vốn là người thích tìm hiểu và cái gì cũng phải tới tận cùng, ông đã múc nước giếng từ độ sâu hơn 50 mét lên và rửa mặt, rồi nhấp thử một ngụm. Thấy mặn như nước biển, ông nhổ đi.
Hậu quả là ngày hôm sau, trên đường trở về Việt Nam, mặt và đầu ông sưng vù, hai bàn tay sưng quá to, không thể cầm nắm được nữa… Và tất cả những chỗ trên người dính nước đều bị sưng rất to.
Qua điện thoại , ông mong muốn “có ai chặt hộ… đầu đi để khỏi đau đớn thế này thì rất… cám ơn!”
Khả năng là khi về tới Việt Nam vào đêm nay (30/6), ông sẽ phải nhập viện ngay lập tức.
P.V

Một loạt chính sách lớn có hiệu lực từ hôm nay

Hơn 2 triệu người không còn thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân khi luật mới được áp dụng. Lương cơ sở của cán bộ, công chức tăng lên 1,15 triệu đồng cùng nhiều chính sách kinh tế, xã hội lớn sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay.
1. Lương cơ sở tăng thêm 100.000 đồng mỗi tháng
Từ 1/7, lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang... sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng lên 1,15 triệu đồng mỗi tháng.
Mức lương này lẽ ra đã tăng lên 1,3 triệu đồng kể từ 1/5. Tuy nhiên do ngân sách không thể bố trí đủ 60.000 - 65.000 tỷ đồng phục vụ lộ trình này nên kế hoạch tăng lương, theo đề xuất của Chính phủ đã được hoãn tới 1/7 và mức tăng cũng được điều chỉnh xuống 1,15 triệu đồng. Số tiền bố trí để cân đối là 20.700 tỷ. Phương án này đã được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 11/2012.

Tăng lương cơ sở thêm 100.000 đồng mỗi tháng từ 1/7. Ảnh: Hoàng Hà

2. Thu nhập trên 9 triệu đồng mới phải nộp thuế
Theo Nghị định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc được nâng lên 9 và 3,6 triệu đồng, thay cho mức 4 và 1,6 triệu đồng như hiện nay. Với quy định có hiệu lực từ 1/7 này, người có thu nhập 12,6 triệu đồng một tháng mà có nuôi một người phụ thuộc (con, bố hoặc mẹ) thì chưa phải nộp thuế.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng sẽ cấp mã số thuế tự động cho người phụ thuộc, kể cả với trẻ sơ sinh. Nếu cá nhân không có mã số thuế sẽ không được xét giảm trừ gia cảnh. Trong trường hợp giá cả biến động trên 20%, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với tình hình thị trường.
Theo tính toán của cơ quan thuế, dự kiến sẽ có hơn 2 triệu người sẽ không thuộc diện còn phải nộp thuế và thu ngân sách có thể giảm 4.000 - 5.000 tỷ đồng.
3. Giảm thuế VAT với nhà ở xã hội
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), từ 1/7 sẽ áp thuế 5% cho các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà thương mại. Đồng thời, sẽ giảm 50% thuế VAT cho hợp đồng bán, cho thuê mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2 từ 1/7/2013 đến 30/6/2014.
Báo cáo của Chính phủ cho hay, số lượng nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2 còn tồn khoảng trên 10.000 căn. Việc giảm thuế sẽ khiến giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp, đồng thời góp phần giảm lượng căn hộ thương mại đang tồn kho, tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường bất động sản.

Giảm thuế VAT với nhà ở xã hội. Ảnh: Đoàn Loan
4. Giảm thuế về 20% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Từ 1/7, doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đơn vị (kể cả hợp tác xã) có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng chỉ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20%, so với mức 25% như trước đây. Tuy nhiên, thuế suất 20% không áp dụng với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, quyền góp vốn, bất động sản và dự án đầu tư.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội cũng được áp mức thuế ưu đãi 10% với phần thu nhập phát sinh từ hoạt động này kể từ 1/7.
Theo lộ trình giảm thuế đã được Quốc hội thông qua, từ 1/1/2014, sẽ áp mức thuế 22% chung cho doanh nghiệp, từ mức 25% hiện nay và giảm về 20% từ ngày 1/1/2016.
5. Minh bạch giá thành điện
Từ 1/7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực có hiệu lực. Trong đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Bộ Tài chính xây dựng biểu giá bán lẻ điện, từ đó tính toán giá bán lẻ điện sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Theo dự thảo trình lên Chính phủ, giá điện sinh hoạt sẽ chỉ còn 6 bậc thang, thay cho 7 bậc trước đây do gộp thẳng mức tiêu thụ điện từ 101 đến 200 kWh. Bên cạnh đó, với lĩnh vực sản xuất, Bộ Công thương cũng đề xuất áp giá điện riêng cho ngành sắt thép, xi măng cao hơn từ 2 - 16% so với giá điện hiện nay do cho rằng lĩnh vực này tiêu hao nhiều điện năng và cần phải cải tiến công nghệ.

Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực từ 1/7. Ảnh: Hoàng Hà
Luật Điện lực sửa đổi cũng yêu cầu việc điều chỉnh giá bán lẻ điện phải được thực hiện công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành liên quan đến việc điều chỉnh giá. Nhà nước sử dụng các biện pháp để bình ổn giá bán điện phù hợp với quy định của pháp luật về giá.
6. Đóng cửa website thương mại điện tử không hoạt động
Theo quy định của Bộ Công thương, từ 1/7, các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sẽ bị rút đăng ký nếu quá 30 ngày mà không có hoạt động hoặc không phản hồi thông tin khi được cơ quan quản lý yêu cầu.
Đồng thời, hàng năm vào ngày 15/1, thương nhân, tổ chức thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải báo cáo Bộ Công Thương số liệu thống kê về tình hình hoạt động của năm trước đó.
7. Tăng thời gian giao dịch chứng khoán thêm 45 phút
Trong thời gian từ 1/7 đến 5/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) sẽ cho thử nghiệm việc tăng thời gian giao dịch thêm 45 phút vào đợt khớp lệnh buổi chiều, điều này có nghĩa thời gian giao dịch buổi chiều sẽ kéo dài từ 13 giờ đến 15 giờ. Để chuẩn bị cho quá trình này, các công ty chứng khoán phải hoàn thành việc chỉnh sửa phần mềm đến trước 30/6.
Trong khi đó, trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), việc kéo dài thời gian giao dịch buổi chiều tới 15 giờ sẽ được áp dụng từ 8/7.
Ở lần điều chỉnh trước đây, sau thời gian chạy thử nghiệm, cả HoSE và HNX đều chỉnh thức tăng thời gian giao dịch cùng lúc.

Tăng thời gian giao dịch buổi chiều thêm 45 phút. Ảnh: Hoàng Hà
8. Thành lập công ty mua bán nợ xấu
Kể từ ngày 9/7/2013, Quyết định thành lập Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có hiệu lực. VAMC có vốn điều lệ 500 tỷ đồng do Nhà nước nắm 100% vốn.
Nhiệm vụ chính của công ty mà mua nợ xấu của tổ chức tín dụng; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; cơ cấu các khoản nợ và quản lý khoản nợ xấu...
Trụ sở của VAMC sẽ nằm ở 22 Hàng Vôi, Hà Nội, hiện đã có 2 Phó Tổng của ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) chuyển về làm việc tại VAMC.
Thông tin mới nhất từ Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho hay, đến hết tháng 5/2013, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng đã giảm về 4,65%, so với mức khoảng 6% được công bố hồi cuối tháng 2.
(Theo vnexpress)

Đồ Sơn: Ai mua nhan sắc, ai bán phấn hương?

Cặp mắt trắng đục như miếng thịt đông của gã nhìn lên một dãy phòng nghỉ ở phía đối diện. Tại đó, trên những chiếc giường quá hẹp cho sự hoang dại có đống chăn đệm lộn xộn và những nút buộc thắt bằng da thịt.
Đồ Sơn: Ai mua nhan sắc, ai bán phấn hương?
Bức ảnh về gái Đồ Sơn lan truyền trên Internet.
Người có vẻ như thủ lĩnh của nhóm hất đầu nói với chủ quán: “Có hàng tuyển không?”. Chủ quán liếc cái máy ảnh bên cạnh anh ta (mấy ngày nay báo chí nói về Đồ Sơn hơi bị nhiều) rồi trả lời bằng cái giọng ngọt ngào giả tạo và đầy ngờ vực, như vẻ mặt con mèo già đang gầm gừ ở góc bếp: “Dạ, chỉ có con này thôi ạ!”. Thấy cô tiếp viên hơi thở vẫn còn mùi hành, anh chàng bé nhỏ kêu lên: “Đại ca! Mình vào khu 3. Đồ Sơn có thiếu gì em!”.

Ai đi bán dâm?

Mặt trời vừa lặn, khép mí mắt của đêm tối, hàng chục cô gái với những bộ ngực khiêu khích, cặp mông to tròn, phục sức cám dỗ lộ liễu - bố cục hoàn chỉnh của bức tranh cô gái điếm hạng hai - lại đổ ra con phố dài hơn 200 mét nằm trong khu tập thể Bộ Xây dựng tại phường Vạn Hương của quận Đồ Sơn. Có thể nhận ngay ra họ, bởi những cặp môi tô son đỏ chót như một vết thương đẫm máu nằm ngay giữa mặt và nhờ vào bộ mặt được trát phấn quá dày. Họ mời chào khách qua đường bằng cách thích thú nghiêng nửa thân trên để phô hai miếng mồi nhử cái nhìn hâm mộ đầy sống sượng của đàn ông, hay họ chấp chới hàng mi, mỉm cười ngây thơ như một nữ sinh trung học.

Nụ cười của họ không phân biệt giữa người cao và người thấp, người béo và người gầy, chúng chỉ khác nhau giữa người giàu với người nghèo. Thế nhưng khi bạn đi khuất, họ cũng sẽ không thương tiếc quất vào nhau những từ ngữ được sinh ra từ các xóm liều. Đôi khi họ cất tiếng hát bằng cái giọng buồn và rè vì thức đêm nhiều. Không biết họ moi đâu ra những bài hát nghe lạ lắm (chắc lời bài hát bị “chế”). Trong các bài hát của họ có sự ham muốn nóng bỏng của người đàn bà và những vết cắn điên rồ của người đàn ông, có lời than thở ai cũng đến lúc phải biến mất khỏi cõi đời, đừng để tội lỗi đáng chết nhất là nỗi buồn làm mình héo hon, mòn mỏi. Nó nhắc nhở rằng trên đại dương, có bãi biển nào hạnh phúc hơn là Đồ Sơn (?!).

Thấy họ hát “Anh đã yêu một nàng thiếu nữ” chứ không phải “Anh đã yêu một làng thiếu nữ”, tôi biết họ không phải người Hải Phòng, vì họ không bị lẫn lộn giữa l và n. Nhờ người quản lý - một gã hình thức đen thui - kể toang toác về các cô, tự hào như chính gã đã ấp cho họ nở ra vậy, tôi biết cô Lan là người Thái Nguyên, cô Tuyết - Bắc Cạn, cô Huệ - Lạng Sơn… Thế nhưng bạn chớ vội tin. Đó là nickname của họ ở Đồ Sơn thôi. Tên thực của họ hiền lành hơn nhiều: 90% là Mơ, Đào, Mận! Họ mang từ trên rừng về cái bẫy đàn ông là bộ ngực lớn và cái eo như vừa nắm được trong hai bàn tay. Họ thường kể những câu chuyện bi thảm về gia đình, cuộc đời họ.

Thật khó phân biệt đâu là that-giả, vì chúng giống nhau như những hạt lạc trong một củ lạc. Vẫn cái môtíp cổ điển: Bố mẹ ốm nặng, chồng bỏ (hoặc chết), để lại con thơ. Đôi khi các câu chuyện có vị mặn của giọt nước mắt về nỗi cực nhục trong nghề buôn phấn bán hương khi gặp phải những ông chủ nghiệt ngã, tham lam hay thói bạo dâm của các khách hàng, những kẻ khinh bỉ các biện pháp để quan hệ tình dục an toàn. “Họ có tiền mà!” - các cô nói trong nghẹn ngào. Thế nhưng, hỏi rằng đã có cô nào dũng cảm bỏ chốn thanh lâu, trở về quê cũ, mỗi sáng chủ nhật mang gà lên chợ huyện bán, lấy anh hàng xóm cục mịch như bức tường đất làm chồng, và đẻ ra một lũ con hay chưa (?), thì các cô đều lảng tránh.

Cuộc sống nhàn hạ, ăn trắng mặc trơn, mưa không đến mặt nắng không đến đầu, kiếm tiền lại nhanh như đi tàu điện, có sức hấp dẫn nhiều cô gái trẻ nông nổi. Họ bỏ việc ở công ty may mặc, công ty da giày, tự nguyện chuyển nghề làm gái. Vĩnh biệt đồng lương một tháng 2 triệu! Để rồi mỗi lần về quê cưỡi xe tay ga, mặt hoa da phấn, cổ đeo dây chuyền 5 chỉ do một người tình mua tặng để chứng tỏ cái trọng lượng tình yêu của gã, thỉnh thoảng dúi cho bố mẹ 5 - 10 triệu đồng, chắc hãnh diện hơn đứa bạn cùng xóm người gầy tong teo như quả đậu đũa vì thiếu ăn và tháng ngày triền miên làm việc thêm giờ ở các công ty da giày, về quê đi xe đạp tàng, đeo một chiếc túi nhẹ tênh đựng mấy gói bánh rẻ tiền làm quà cho lũ em đang đi học. Còn nỗi đau đớn, xấu hổ thân xác thì được phòng the và bóng tối che lấp hộ, bố mẹ họ hàng làm sao biết được!

Thực lòng tôi cũng không hiểu họ có cảm nhận nỗi xấu hổ thân xác hay không, vì thấy họ cứ nói cười thoải mái, vô tư, có cô còn ngây thơ trong vắt nữa, bởi cô nhổ lông mày một bên nhiều quá, nên trông một bên lúc nào cô cũng như đang ngạc nhiên, chứ không phải cô cố đóng giả nai.

Ở giữa đám đông, họ giống như con cá vàng thả trong bể nước, cứ thản nhiên lạnh lùng bơi, không thèm để ý đến sự tò mò của đống đàn ông đang trố mắt nhìn. Họ rất nhanh chóng thích nghi với lối sống họ tự chọn. Đồ Sơn ngày nay, những cô gái bị cưỡng bức bằng vũ lực để bán dâm chỉ còn có trong tờ báo lá cải. Tú ông bây giờ đã có kiến thức pháp luật để biết kinh doanh những cô này rất nguy hiểm, vào tù như chơi. Họ thích các cô coi bán dâm là một nghề.

Thời đại acòng cũng làm thay đổi rất nhiều hình ảnh cô gái bán dâm. Có thừa thời gian không để làm gì, trong tay lại sẵn có iPhone 4, iPhone 5, họ rất chịu khó nhắn tin, lướt web và xem tivi. Họ thích nhất phim “Người đàn bà đẹp” vì ở đó có cô điếm lấy được anh chồng tỉ phú. Họ vẫn có người yêu họ, nhiều người hai buổi đưa đón các cô đi làm. Tôi nói chuyện với một người, anh ta hạnh phúc như bao kẻ tình nhân khác. Nhờ chịu vào mạng, họ bắt đầu biết những chuyện mà các đàn chị của họ không hề quan tâm: Chăm sóc sức khỏe, tình dục an toàn, kiến thức pháp luật và cả đời sống xã hội. Để cứu “sự nghiệp” đừng bị chấm dứt trước khi có đủ tiền mua nhà, lấy chồng, đẻ con, họ biết rắc ít kiến thức lên cái nhan sắc làm bẫy đàn ông của họ.

Có cô đã biết học cách trang điểm giống con nhà lành để đôi cánh của nữ tính không bay đi mất. Có cô biết hỏi: “Nợ công là gì anh?”. Chắc cô này là sinh viên đi bán dâm đóng tiền học? Họ cũng vào phây (Facebook) kết bạn. Không biết ở đâu hình ảnh của họ là thật: Trên phây hay là trên giường?

Ai đi mua dâm?

Bác sĩ K xoa xoa tay nói với bệnh nhân: “Tuyến tiền liệt của bác đang bắt đầu phì đại!”. Bệnh nhân là nhà thiên văn, ông hỏi bác sĩ với giọng lo lắng: “Uống thuốc gì, thưa bác sĩ?” - “Chả cần thuốc gì! Anh cứ ''quan hệ'' đều đặn là tự nó teo!”. Trời ơi! Ba mươi năm nay ông chỉ ngước lên bầu trời ngắm các vì sao, không có thời gian nhìn xuống để ngắm các cô gái đẹp. Ba mươi năm ấy, ông sống trong cái giang sơn trong trắng của đời độc thân. Bây giờ ''quan hệ'' với ai, chẳng lẽ với các vì sao? “Chẳng cần đi xa thế đâu! Ra Đồ Sơn là có ngay!” - bác sĩ nửa đùa nửa thật. Rồi một buổi tối mùa đông, Đồ Sơn biển động, gió thổi căng các đám mây sũng nước, những đàn chim biển nháo nhác ầm ỹ, người ta thấy nhà thiên văn lén lút chui tọt vào một căn nhà có những cửa sổ đóng kín nằm ngay mép biển. Ông đi chữa bệnh!

Bức ảnh về gái Đồ Sơn lan truyền trên Internet.


Ông C là công chức của sở T. Vợ ông là người đàn bà thông minh nên bà quá say mê bản thân mình. Thú vui của bà chưa bao giờ xuống đến bếp. Là người của công chúng, bà đi suốt ngày. Ông thường than phiền gặp vợ trên các trang bìa tạp chí nhiều hơn gặp bà ở nhà. Những lúc cô đơn, ông lại ngồi trước tủ lạnh cả đêm và chén tì tì. Ông “mất” vợ, nhưng được thêm 10 cân. Bác sĩ nói thần kinh ông có vấn đề. Nỗi buồn xua chân ông lang thang đến Đồ Sơn.

Ở ngoài bãi biển, ông gặp một người đàn ông đi du lịch cùng với vợ. Bà này đã già, da thịt nhăn nheo không khác gì tấm bản đồ địa hình mặt trăng, chẳng còn ham muốn mà vẫn nghiệt ngã, chỉ nhìn biển có một mắt, mắt kia phải thường trực theo dõi chồng, mặc dù hằng bao năm nay ông chưa bao giờ nói với gái điếm quá một từ “không!” Ông C đã giúp bạn mình thoát khỏi bà vợ luôn miệng cằn nhằn bằng cách kéo nhau lên chiếc taxi. Giống như taxi nào ở New York cũng biết đường đến quán rượu, taxi nào ở Hải Phòng cũng biết đường tới một động Đồ Sơn. Hai ông đi tìm những người đàn bà sẵn sàng cho họ những mối quan hệ không có ngày mai, không có hậu quả, chỉ để giảm stress mà thôi.

Anh T là một thầy giáo, nhờ dạy thêm mà có nhiều tiền hơn kiến thức. Anh có nhà lầu, ôtô, vợ đẹp. Anh giữ được cuộc hôn nhân nguyên vẹn không chỉ nhờ tiền mà còn bằng sự đắng cay chịu, chịu nỗi sỉ nhục mà chẳng biết nói với ai. Mỗi lần vợ anh “vừa đặt chân vào cánh đồng ham muốn thì đã nghe thấy tiếng hát thắng trận của anh ở phía bên kia cánh đồng” (G.García Márquez). Vợ anh không nói không rằng. Nhưng chẳng có sự lạnh lùng nào bằng sự lạnh lùng của người đàn bà đẹp. Từ đó, anh ra Đồ Sơn để tìm kiếm sự an ủi của những cô điếm, mà cái sự cố “chưa đi chợ đã hết tiền” của anh được họ đón nhận như là ưu điểm. Lần đầu được hôn vào môi, anh đã nhăn nhó như hôn phải con rắn chuông. Nhưng rồi thấy không chết người, mà còn làm cho tim mình ấm áp, anh trở thành khách quen của họ.

Không ai dám nhìn đểu A dù cậu mới 17 tuổi, nhưng cao 1m80 và vẫn còn tiếp tục lớn. Từ hai năm nay, A khổ sở vì những cơn mộng mị. Cậu vừa thích vừa xấu hổ. Người rủ rê A đi giải phóng những năng lượng dư thừa là D - hàng xóm của cậu. D thuộc loại người ngẫu hứng, có thể tán tỉnh bất cứ người đẹp nào anh tình cờ bắt gặp trên một bến chờ xe buýt. Anh đào hoa từ lúc mới sinh ra, như người Congo sinh ra đã đen. Một nửa cuộc đời anh lên rừng để tìm mỏ, nửa đời còn lại anh đi xuống biển để tìm đàn bà. Anh nhìn họ như nhìn thấy cái kẹo, sẵn sàng cho vào miệng để nuốt chửng.

Anh có đám bạn giống anh. Họ thường hát trong khi nhậu: “Con bò có một cái u, đàn ông một vợ còn ngu hơn bò!”. Sau đó, họ kéo nhau ra Đồ Sơn để chứng tỏ rằng họ không ngu hơn con bò. Có điều rất lạ, chị vợ anh D lại thản nhiên coi chuyện đó như khi đi qua vũng bùn thì phải nhấc chân. Chị bô bô nói: “Cho lão đổi món một tí! Lão đi với bồ mới sợ, chứ đi với điếm đến sáng lại về. Cứ vô tư đi!”. Những người giống như anh D có đủ lý do để đi Đồ Sơn: Tăng lương, mất việc, gặp xui, lấy may… Thậm chí chẳng lý do gì, anh đi theo bản năng thúc đẩy. Người chưa có vợ lại không đông bằng người đã có vợ.

Những bức ảnh về gái Đồ Sơn lan truyền trên Internet.


Từ ngày kinh tế thị trường, Đồ Sơn còn là nơi chiêu đãi khách. Buổi tối một ngày mùa đông, có hai người đi với nhau vào động. Một người trẻ tuổi mà đầu chỉ còn vài ba cọng tóc bướng bỉnh như cây cỏ dại lon ton chạy trước. Người sau dù đi chơi gái, song vẫn giữ được dáng vẻ bệ vệ như một thống chế của Hoàng đế Pháp Napoleon. Gã quản lý ngồi sau bàn đang ủ rũ như một con ếch béo nhợt nhạt đứng bật ngay dậy. Một cái đảo mắt lén lút để nhận ra tờ 500 ngàn đồng trong tay của người trẻ tuổi. Không được phép bất lịch sự với người đã bo cho mình nhiều tiền đến thế.

Gã thầm thì nói, sẽ chọn cho sếp một em “chỗ nào đáng to thì to, chỗ nào đáng nhỏ thì nhỏ”. Ngay lập tức, một cô gái có nước da màu ánh trăng, cặp môi mòng mọng như đang hờn giận xuất hiện. Cô gái đưa sếp lên gác, còn người trẻ tuổi và gã quản lý lại ra quầy ngồi cùng với vài vị khách chờ đến lượt, chẳng ai nói chuyện với ai, trông như một đống đồ đạc cố định. Khoảng một giờ sau sếp xuống, mặt mũi phởn phơ, toàn thân vui vẻ. Người trẻ tuổi đã thanh toán mọi thứ, sếp ung dung mở cửa xe, chiếc Camry mang biển kiểm soát Hà Nội lăn bánh chạy vào Hải Phòng.

Sếp chỉ là một trong rất nhiều người Hà Nội khi xuống Hải Phòng hội họp, làm việc được dân bản địa chiêu đãi ''đặc sản'' Đồ Sơn. Vào ngày có hội chọi trâu, các động mở cửa tưng bừng, chỉ còn thiếu tấm băngrôn “Welcome to Do Son” để đón từng đoàn khách những tỉnh, thành lân cận đổ về Đồ Sơn xem chọi trâu và vẫn còn bị ám ảnh bởi cái không khí chiến đấu hừng hực của lũ trâu dại.

Đồ Sơn nổi tiếng bởi mại dâm đã đi vào trong câu thơ gần như trở thành ca dao “Không đi không biết Đồ Sơn”. Thật trơ trẽn thay cho người nào bảo Đồ Sơn không có mại dâm. A.Lincoln - cựu Tổng thống Mỹ - nói: “Dù có gọi đuôi con ngựa là chân thì con ngựa vẫn chỉ có 4 chân”. Mọi sự ngụy biện không thay đổi được bản chất, sự thật. Từ thời thượng cổ, người ta đã tìm cách để sống chung với nó, vì nó giống con quỷ trong thần thoại: Chặt một đầu sẽ mọc ra hai đầu. Rất nhiều quốc gia từ nền văn minh phương Tây (Mỹ, Anh, Pháp, Đức) đến nền văn minh phương Đông (Nhật Bản, Hàn Quốc) từ lâu coi mại dâm là một nghề. Nếu bảo họ không giữ gìn thuần phong mỹ tục, chà đạp nhân phẩm phụ nữ bằng cách công khai mại dâm, thì đấy là sự thiển cận. Ai lại không biết câu “Đàn bà, trẻ con, chó và đàn ông” được phổ biến ở phương Tây nhỉ?

Sự tràn lan của mại dâm ra khắp hang cùng ngõ hẻm Việt Nam chứng tỏ cuộc chiến đấu chống nạn mại dâm theo kiểu cũ đã thất bại. Đa số gái bán dâm ở Đồ Sơn là người tình nguyện. Họ coi mại dâm là nghề. Họ đang thay đổi rất nhiều nhờ vào… công nghệ IT. Vậy thì, đã đến lúc phải thay đổi cách quản lý họ. Nhà nước chưa cần tiền thuế đánh vào cô gái bán dâm, cũng không sợ họ là môi trường gây bệnh tật, bởi vì ngày nay ai cũng học cách tự bảo vệ mình.

Quản lý để ngăn chặn sự lây lan của nghề mại dâm mới là mục tiêu căn bản. Ngày xưa, Hà Nội có phố Khâm Thiên, Hải Phòng có quán Bà Mau - những xóm cô đầu được cấp giấy phép hành nghề công khai. Ai dám coi thường dư luận xã hội thì mới bước chân vào đó. Thế nên ngày xưa không có cái chuyện từ già đến trẻ đều đi Đồ Sơn như ngày nay. Nếu cứ mập mờ sẽ có những người đến Đồ Sơn đánh rơi quần, sau đó lại về lên bục rao giảng. Đồ Sơn lại mắc thêm tội nuôi dưỡng thói đạo đức giả!

Đêm xuống Đồ Sơn, sương mù lãng đãng tựa như hơi thở lạnh lẽo của một mảnh trăng bị mây che khuất. Tiếng biển ầm ỳ không át được tiếng huyên náo từ các quán ăn đầy những khuôn mặt đờ đẫn, đỏ ửng màu máu bốc hỏa. Một nhóm đàn ông phê phê ngồi ăn ghẹ luộc. Giữa những nụ cười nhăn nhở vì được nghe kể câu chuyện tiếu lâm tục tĩu và tiếng hát ngợi ca thành phố hoa phượng đỏ từ các cái miệng đã nhão ra vì bia rượu, có giọng ai đó: “Biển động thế này làm sao tắm được!”. Một anh chàng rất bé nhỏ ngồi sau bàn ăn chỉ nhìn thấy mỗi chỏm tóc, bật cười ha hả: “Thằng này điên à? Ai đi Đồ Sơn để mà tắm biển!”.
(Lao Động)

Hàng trăm phạm nhân Z30A đập phá trại giam, khống chế giám thị

Hàng trăm phạm nhân Z30A đập phá trại giam, khống chế giám thị
(Ảnh minh họa)
Ngày 30/6, họ phá cửa nhà kỷ luật để cho 19 phạm nhân thoát ra, đập phá cửa căn-tin, lấy dụng cụ nhà bếp làm hung khí. Chốt bên trong cửa chính và hai cửa phụ phân trại, nhóm phạm nhân gây rối thu gom một số màn, chiếu để đốt.

Lúc 8h, cán bộ quản giáo của phân trại I (trại giam Xuân Lộc, Z30A) tổ chức cho số phạm nhân đá bóng. Trong khi đang thi đấu, bất ngờ hai phạm nhân Phạm Văn Trị (đội 17) và Đỗ Ngọc Hường (đội 15) ném đá vào cán bộ quản giáo, đồng thời liên tục la hét, cố tình gây mất trật tự. Phạm nhân Nguyễn Văn Tân (đội 8) dùng đá và dùi tự chế tấn công khiến trung úy Nguyễn Văn Tuấn bị thương.

Khoảng 50 phạm nhân khác kêu gọi phạm nhân trong các buồng la hét, đập phá hàng rào phân khu và kéo ra cổng trại để gây áp lực với cán bộ quản giáo. Ban Giám thị xuống thuyết phục nhưng nhóm này không nghe mà yêu cầu tất cả cán bộ ra khỏi khu vực, riêng đại tá Hồ Phi Thắng phải ở lại để họ nêu yêu sách.

Vẫn chưa dừng lại, một lúc sau, một nhóm quá khích đã phá cửa nhà kỷ luật, nhà giam để cho 19 phạm nhân thoát ra. Nhóm trên tiếp tục đập phá cửa căn-tin nhà ăn để lấy nước uống và dụng cụ nhà bếp làm hung khí. Sau khi sử dụng gậy gỗ và các dụng cụ khác chốt bên trong cửa chính và hai cửa phụ phân trại, nhóm phạm nhân gây rối này thu gom một số màn, chiếu để đốt ở bên trong phân trại. Họ tiếp tục giữ đại tá Thắng, khóa cổng phân trại để không cho lực lượng bên ngoài tiếp cận...

Thiếu tướng Hồ Thanh Đình (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Tổng cục VIII) cho biết đã điều cán bộ, chiến sĩ thuộc trại giam Thủ Đức, Huy Khiêm, Bố Lá đến tăng cường. Về nguyên nhân khiến các phạm nhân nổi loạn, gây mất trật tự, theo thiếu tướng Đình có nhiều phạm nhân không chấp hành cải tạo nên thường xuyên có hành vi gây rối, đòi chuyển trại dẫn đến kích động những người khác...

Đại tá Hồ Phi Thắng thì cho hay thấy trước tình hình phức tạp, ông chủ động ở lại phân trại một mình để trao đổi, vận động các phạm nhân và đã thành công. Sau gần 10 giờ, lực lượng chức năng đã phân loại 40 người để điều tra làm rõ. Những người cầm đầu, quá khích và phá hủy tài sản sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.

(VNE)

Saturday, June 29, 2013

Bạo động lại bùng phát ở Tân Cương

Hôm qua 28-6, truyền thông Trung Quốc đưa tin bạo động lại tiếp tục nổ ra ở Tân Cương, chỉ hai ngày sau vụ bạo loạn khiến 35 người thiệt mạng.

Một cảnh sát Trung Quốc có vũ trang đóng tại một trạm kiểm soát trên con đường dẫn tới thị trấn Lukqun
Một cảnh sát Trung Quốc có vũ trang đóng tại một trạm kiểm soát trên con đường dẫn tới thị trấn Lukqun

Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), vụ bạo động mới nổ ra ở thành phố Hotan. “Một cuộc tấn công bạo lực đã xảy ra ở Hotan. Hiện tại vụ việc đã được giải quyết và nhà chức trách đang xác định số người thiệt mạng và bị thương” - CCTV đưa tin.

Hai ngày trước đó, Tân Hoa xã đưa tin “những kẻ nổi loạn cầm dao” đã tấn công đồn cảnh sát, đốt xe hơi tại thị trấn Lukqun thuộc thành phố Turpan. Vụ đụng độ khiến ít nhất 35 người thiệt mạng, bao gồm 11 kẻ nổi loạn. Ngoài ra còn có 21 cảnh sát và thường dân bị thương.

Khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả đây là vụ “tấn công khủng bố”. Chưa rõ hai vụ bạo động ở Hotan và ở Turpan có liên quan với nhau không, tuy nhiên hai thành phố này cách xa nhau hơn 1.000 km.  

Tân Cương là quê nhà của 9 triệu người Hồi giáo Uighur. Trong thời gian qua, bạo loạn thường xuyên xảy ra ở khu vực này. Các tổ chức người Uighur ở nước ngoài chỉ trích chính quyền Trung Quốc phân biệt đối xử, hủy hoại nền văn hóa của người Uighur.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, chính quyền Trung Quốc đang triển khai lực lượng an ninh đến thị trấn Lukqun để truy lùng những kẻ gây bạo động còn đang lẩn trốn. AFP cho biết hôm qua phóng viên của hãng bị bắt giữ tại đây trong khoảng một giờ, mạng điện thoại và Internet cũng bị đình trệ.

Thời báo Hoàn Cầu tiết lộ chính quyền Tân Cương đang chuẩn bị để đối phó với nguy cơ bạo động mới khi tuần tới là tròn bốn năm kể từ vụ đụng độ năm 2009 giữa người Uighur và người Hán. Số liệu chính thức cho biết khoảng 46% dân số Tân Cương là người Uighur, 39% là người Hán.

(TTO)

50 con dòi 'ăn' đứt tai bé gái 5 tháng tuổi

Bị đau tai và được bệnh viện tỉnh Đăk Lăk chẩn đoán là... u máu, nhưng khi chuyển xuống bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) các bác sĩ mổ lấy 50 con dòi trong tai cháu bé 5 tháng tuổi.


Ngày 28/6, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết đã phẫu thuật gắp 50 con dòi trong tai của cháu H.U.N. (5 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đăk Lăk). Cháu N. bị dòi "ăn" ống tai, tuyến mang tai.


Mẹ của N. cho biết khi cháu được 2 - 3 tháng tuổi thì phát hiện có mụn đỏ sưng tấy ở tai. Gia đình cứ nghĩ là do muỗi đốt, nhưng càng ngày nốt đỏ càng to và chảy mủ nên đưa cháu đến điều trị tại BV tỉnh Đăk Lăk, các bác sĩ chẩn đoán là u máu. Điều trị hơn 1 tháng không khỏi, nên gia đình chuyển cháu xuống BV Nhi Đồng 1 vào chiều 17/6.



Số dòi được lấy ra từ tai của cháu N.
Số dòi được lấy ra từ tai của cháu N.


Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu N. bé áp xe tai. Khi y tá vừa tiêm thuốc cho cháu thì dòi từ tai rớt ra ngoài, ngay lập tức N. được đưa vào phòng mổ áp xe. Sau đó, các bác sĩ mất 1 giờ để gắp ra khoảng 50 con dòi trong tai bệnh nhi. Theo các bác sĩ, dòi đã len lỏi khắp nơi trong tai và "ăn" mất ống tai, tuyến mang tai và vành tai bị hoại tử lởm chởm. Hiện vành tai của cháu đã được khâu lại, tuy nhiên sức nghe của bệnh nhi sẽ nhi giảm 20 - 40% so với người bình thường.

Sau hơn 10 ngày điều trị tại BV Nhi Đồng 1, sức khỏe của cháu bé đã ổn định và sẽ xuất viện vào thứ 4 tuần sau. 


Sức nghe của bệnh nhi sẽ giảm 20 - 40%.
Sức nghe của bệnh nhi sẽ giảm 20 - 40%. 


Theo Infonet

Tăng lương 100.000 đồng/tháng cho cả gần 1 triệu công chức “vô tích sự”?

Trong các nội dung chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong tuần qua, có Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27-6-2013 về việc “Qui định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang”. Theo đó, mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2013 nhưng được tính hưởng từ ngày 1-7-2013. Sự kiện này đang được những người ăn lương Nhà nước rất phấn khởi, trông mong từng ngày, từng giờ.
Xem bài liên quan:
Theo số liệu thống kê cho biết, hiện cả nước đang có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công viên chức Nhà nước thuộc diện hưởng chế độ tăng lương trên. Trong phương án tăng lương tối thiểu trình bày tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2012, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ đã cho biết : Tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công (khoảng 8 triệu người) ở mức 100.000 đ/tháng, bắt đầu từ ngày 01/07/2013 với tổng kinh phí khoảng 21.700 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), trong đó ngân sách Trung ương lo 18.400 tỷ đồng, địa phương lo 3.300 tỷ đồng. Một con số khổng lồ chi từ ngân sách quốc gia để chỉ tăng 100.000 đồng/tháng cho cán bộ, công chức… 

Ngân sách Nhà nước phải cõng cả con số 30% cán bộ công chức “có như không”


Lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ và Bộ Nội vụ công bố sự thật con số cán bộ, công chức khiến nhiều người ngỡ ngàng, lo lắng thật sự cho hầu bao quốc gia. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định:“Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. Và Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mối lo: “Nếu không đổi mới chế độ công vụ, công chức thì sẽ thất bại trước nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đây là công việc phức tạp, vì vậy việc đổi mới phải chặt chẽ nhưng không vì thế mà không dám làm, phải quyết tâm làm”. Cho thấy, với 30 % của 2,8 triệu cán bộ, công chức thì đã có khoảng 840.000 người thuộc diện “sáng cắp ô đi, chiều cắp về” và làm việc “có cũng như không”, nhà nước đã phải tốn số tiền khổng lồ khi chi trả tăng thêm 100.000 đ/tháng cho ngần ấy cán bộ, công chức ngồi không.

“Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”


















Trên thực tế, con số “người ăn không” này có thể còn nhiều hơn 1 triệu người và việc chi phí cho văn phòng phẩm, điện nước, xăng xe, cơ sở vật chất…có tổng số tiền chi vô tích sự, báo cô nhà nước là khủng khiếp. Cũng từ đây cho thấy, ngoài việc “nuôi” đám người vô tích sự này, chuyên ăn cắp giờ làm việc cơ quan với số tiền quá lớn, mà họ cũng chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ, đấu đá, thưa kiện và làm ảnh hưởng đến hoạt động của guồng máy hành chính cơ quan, đơn vị. Kết quả cuộc thi nâng ngạch từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp vừa qua của các Bộ, Ngành được Bộ Nội vụ cho biết, có khoảng 30% thí sinh không đạt yêu cầu, trong đó số trượt nhiều là lãnh đạo các cơ quan.
Chuyện một quốc gia tăng lương cho cán bộ, công chức chỉ với con số 100.000 đồng/tháng mà đã lộ ra những việc quá lớn như vậy. Mỗi cán bộ, công chức trong số 30% “sáng cắp ô đi, tối cắp về” kia có suy nghĩ gì không khi trở thành kẻ ăn cắp thời gian công, ăn khoét ngân khố quốc gia khi không thực hiện tròn trách nhiệm một công dân, một cán bộ, công chức nhà nước?
Hoàng Châu
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả) / nguyentandung.org

Thursday, June 27, 2013

Ngọc Trinh và Nick Vujicic hay bài học về sự kém cỏi của giới truyền thông


Sự xuất hiện của Nick tại Việt Nam vừa qua đã làm giới truyền thông không khỏi phải giật mình “tỉnh giấc”. Sự kiện ấy đã cho thấy một điều rằng truyền thông xứ ta còn quá kém cỏi, truyền thông lâu nay cứ mải mê chạy theo những chuyện giật gân câu khách, những sự kiện có nhà tài trợ mà không chú trọng tôn vinh những nhân vật đáng tôn vinh.

1. Người viết bài sẽ không tiếp tục bàn đến chuyện có lãng phí không với con số hàng chục tỉ để mời Nick đến diễn thuyết trong bài viết này. Bởi thực chất chuyện đó vốn không có gì để bàn cãi. Rõ ràng rằng, mang chuyện Nick đến Việt Nam diễn thuyết truyền niềm tin và nghị lực sống cho hàng vạn người để so sánh với số tiền hơn 30 tỉ là quá vô lý.

Tiền là vật chất có thể trực tiếp cân đong đo đếm, nhưng việc vạn người, đặc biệt là những người khuyết tật đang hằng ngày đối diện khó khăn về vật chất, tinh thần, thể xác có thêm những niềm tin và nghị lực sống giúp họ vươn lên trong tương lai qua cuộc gặp gỡ với Nick bằng xương bằng thịt lại là một giá trị tinh thần! Khỏi phải nói, giá trị ấy là vô giá đối với cuộc sống mỗi con người.

Nếu truyền thông Việt giỏi thì chúng ta đã có rất nhiều "Nick Việt Nam"
Nếu truyền thông Việt giỏi thì chúng ta đã có rất nhiều "Nick Việt Nam"

Không những thế, thông qua câu chuyện của Nick đến Việt Nam, báo chí truyền thông xứ ta còn có dịp rút ra được một bài học kinh điển cho mình. Đó chính là việc lựa chọn những nhân vật làm nhân vật truyền thông. Nhớ lúc Nick còn đang diễn thuyết ở nước ta, rất nhiều ý kiến cho rằng việc mời Nick đến Việt Nam là một biểu hiện của căn bệnh cố hữu của nhiều người Việt, bệnh “sính ngoại”. Người ta bảo rằng, tại sao phải mời Nick trong khi ở Việt Nam có biết bao nhiêu là tấm gương người khuyết tật giàu nghị lực, thậm chí có nhiều người còn có nghị lực hơn cả Nick!

Sự thật thì đúng là những người khuyết tật nhưng giàu nghị lực, nhưng không chấp nhận đầu hàng nghịch cảnh như Nick ở Việt Nam có không ít. Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, “hiệp sĩ” công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng… Tất cả họ còn xứng đáng vinh danh hơn, bởi ai cũng biết, mọi điều kiện sống, sinh hoạt, học tập, vui chơi của họ đều thua xa Nick nhưng họ đã vươn lên và làm được những chuyện phi thường.

Song, vấn đề là trong số họ chưa có ai trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng, có tên tuổi đủ sức lan tỏa dù là trong phạm vi lãnh thổ để có thể truyền cảm hứng như Nick, trong khi đáng ra là họ hoàn toàn có thể. Câu trả lời cho điều đáng tiếc ấy chính là bởi vì truyền thông ta kém cỏi, là vì truyền thông ta chưa biết cách để tôn vinh những tấm gương rất đáng tôn vinh như thế!

Sự xuất hiện của Nick làm một bộ phận truyền thông xứ ta phải biết cảm thấy xấu hổ. Lâu nay truyền thông chỉ mải mê chạy theo mục tiêu câu khách rẻ tiền và nhân vật của truyền thông hầu hết là những nhân vật… phản diện. Đó là những tên tội phạm khát máu, những nhân vật “scandal”, những cô nàng người mẫu hớ hênh, phản cảm trong giới giải trí. Truyền thông đang biến những nhân vật ấy trở thành người nổi tiếng, trở thành nhân vật của công chúng chỉ để câu khách, đó là một sự thật.

Trong khi đó thì những nhân vật chính diện, những nhân vật đáng để biểu dương để trở thành những tấm gương sáng cho mọi người thì lại hiếm khi được nhắc đến. Đơn giản bởi vì họ không có những câu chuyện giật gân, gây “sốc” và vì họ không có nhà tài trợ nên không thể trở thành mục tiêu của truyền thông!

Thực tế hiện nay thật khó để chúng ta tiếp cận với những giá trị nhân văn, những tấm gương tốt đẹp trong xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng; bởi nó thường bị che khuất sau những tin bài sự kiện giải trí giật gân, hay cuộc tranh cãi về việc cô người mẫu nọ lộ nội y, tụt váy trong một chương trình chẳng hạn!

2. Nhưng, các phương tiện truyền thông báo chí không có lỗi trong chuyện này, vì truyền thông cũng chỉ đóng vai trò thể hiện những gì người ta viết lên đấy. Chính xác thì đó là lỗi là ở người viết, người làm báo mà điển hình nhất hiện tại là các nhà báo viết mảng Văn hóa giải trí, những người hay làm việc với các chân dài, người đẹp.

Vừa qua, nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, một trang báo có viết một loạt bài về những nhà báo đi làm quản lý, “bầu sô” cho các ca sĩ, người mẫu, diễn viên. Thật ra đây không phải là vấn đề mới mẻ gì, từ nhiều năm nay đã có rất nhiều những cái bắt tay giữa các nhà báo và nghệ sĩ như thế. Vì sao có sự hợp tác ấy? Nói thẳng ra thì một bên là cần “quyền lực” của báo để dễ tiến thân trong giới showbiz, còn một bên vì tiền!

Những phát ngôn sốc, sự hở hang của các người đẹp luôn là tâm điểm của truyền thông
Những phát ngôn sốc, sự hở hang của các người đẹp luôn là tâm điểm của truyền thông

Người của công chúng, nhất là những gương mặt trẻ thì cần người có mối quan hệ sâu rộng trong giới giải trí như với các bầu sô, các nhạc sĩ, đạo diễn… để tiện lợi hơn cho việc liên hệ làm việc phục vụ cho công tác sản xuất các sản phẩm. Đặc biệt nhất, đó là vấn đề quảng bá hình ảnh, sản phẩm của người nghệ sĩ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Với những công việc này, có thể nói, không ai có thể đảm bảo làm tốt được ngoài nhà báo viết mảng giải trí!

Còn phía nhà báo, ai cũng biết rằng công việc viết lách rất mệt óc, lại không phải là nghề để làm giàu! Vì thế có thể nói những ai muốn bám trụ với nghề viết thì cần có lòng yêu nghề mãnh liệt. Song, “tránh làm sao cho khỏi lắm tất son” khi thu nhập hằng tháng của nhà báo kiêm quản lý, “bầu sô” lên đến hàng nghìn USD. Dẫu con số đó chỉ có thể do “nổ” mà ra bởi thực tế thấp hơn nhiều, song nó vẫn đủ sức hấp dẫn với các nhà báo!

Nhưng xin thưa, không phải tất cả những cuộc hợp tác với nghệ sĩ thì những nhà báo đều trở thành người quản lý! Số đông trong đó chỉ đóng vai trò là người làm thuê, chỉ là trợ lý cho các “ngôi sao” mà thôi. Họ thường làm các công việc như nhận sô, lên lịch diễn, liên hệ các đối tác để làm việc… và đặc biệt là công việc “phụ trách truyền thông”. Nói cho oai như thế, song đó cũng chỉ là công việc viết bài thuê, hay cố gắng tìm kiếm chiêu trò gì đó để nhân vật của mình được xuất hiện càng dày đặc trên các trang báo càng tốt.

Trong khi đó, người quản lý đúng nghĩa phải là những người đủ kinh nghiệm, kiến thức về nghề để từ đó hoạch định ra các chiến lược, các kế hoạch dài hơi cho người nghệ sĩ thực hiện. Nhưng, rất nhiều nhà báo, một nốt nhạc cắn đôi còn không biết thì lấy gì để quản lý ca sĩ đây?!

Nói chung, trong cuộc hợp tác với nghệ sĩ, nhà báo đóng vai trò là người làm quảng cáo cho nghệ sĩ là chính, cũng tương tự như người đẹp đi làm quảng cáo cho rượu mạnh vậy! Với phương châm nhân vật của mình phủ sóng trên báo càng nhiều càng tốt, các nhà báo lao vào cuộc chiến thông tin.

Hàng loạt những tin giật gân về hậu trường, những phát ngôn sốc, tố đồng nghiệp, đưa tin đồn thất thiệt bôi nhọ đối thủ… đến những thông tin nhảm nhí kiểu sao hôm nay đi đâu, mặc gì, ăn gì, thậm chí người đẹp nọ mọc cục mụn cũng có thể trở thành tâm điểm của truyền thông… Nói chung bất kỳ thông tin gì của sao cũng đều được đưa lên báo nhờ “quyền lực” của các “quản lý” là nhà báo. Và thảm họa thông tin xuất hiện tràn ngập trên các trang báo hiện nay cũng xuất phát từ lý do đó!

Vì thế, thay vì trách căn bệnh “sính ngoại” của nhiều người, thay vì trách thị hiếu thấp của người đọc… thì chúng ta hãy hỏi lại trách nhiệm của những người làm truyền thông báo chí, những nhà báo đã làm gì để các phương tiện của mình tràn ngập các nhân vật truyền thông là những nhân vật phản diện, trong khi đó thì những tấm gương sáng, những anh hùng… đều vắng bóng!

(Petrotimes)

Nelson Mandela qua đời ở tuổi 94

Nelson Mandela
Một nguồn tin đáng tin cậy của GuardianLV cho biết cựu tổng thống Mandela đã được rút máy hỗ trợ thở và qua đời tại bệnh viện, hưởng thọ 94 tuổi.

Nguồn tin trên cho biết, người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Nelson Mandela đã mất đêm 26, rạng sáng 27/6, khi vẫn đang điều trị tại bệnh viện Pretoria vì nhiễm trùng phổi.

Theo GuardianLV, các nhà chức trách Nam Phi xác nhận các bác sĩ đã rút các thiết bị hỗ trợ sự sống của Nelson Mandela, khiến nhiều người đồn đoán nhiều khả năng cựu tổng thống Nam Phi đã qua đời từ ban đêm. 

Một số người còn tin rằng chính phủ Nam Phi không muốn tin tức về cái chết của ông Mandela từ đêm được lan rộng, nhằm chờ đợi chuyến thăm Nam Phi của tổng thống Mỹ Barack Obama ngày mai 28/6.

Ông Mandela buộc phải nhập viện trở lại vào ngày 19/6 do căn bệnh nhiễm trùng phổi tái phát. Sau nhiều ngày điều trị, tình hình của ông vẫn tiếp tục xấu đi, buộc các bác sĩ phải dùng máy trợ thở để duy trì sự sống cho ông. Đây cũng là lần thứ 4 trong năm nay cựu tổng thống Nam Phi phải nhập viện vì bệnh phổi. 

Sức khỏe của cựu tổng thống Nam Phi bắt đầu xấu đi vào tháng 2/2011 khi ông phải nhập viện vì nhiễm trùng đường hô hấp. Tháng 12/2012 ông tái nhập viện vì nhiễm trùng phổi và sỏi mật.

Hồi tháng 3 năm nay, Mandela cũng phải điều trị một thời gian ngắn ở bệnh viện Pretoria trước khi bình phục trở lại. Tuy nhiên, đến tháng 6 năm nay, bệnh phổi tái phát buộc ông phải nhập viện trong tình trạng tương đối nghiêm trọng.

Hôm 22/6, hãng CBS News đưa tin ông Mandela bị rơi vào hôn mê sâu và các thành viên gia đình ông bắt đầu bàn thảo có nên dùng các thiết bị y tế để hỗ trợ duy trì sự sống cho ông hay không. Sau khi thảo luận, các bác sĩ quyết định sử dụng máy trợ thở để níu kéo sự sống của Mandela. Tuy nhiên, đến ngày 26/6, thông tin Mandela đã qua đời ngày một lan rộng khi có nguồn tin cho biết các bác sĩ đã rút thiết bị thở của ông.

Theo các nhà chức trách, việc rút máy thở là nhằm giúp Mandela ra đi thanh thản và bày tỏ sự tôn trọng đối với người anh hùng của dân tộc Nam Phi. Hiện chi tiết về tang lễ của Nelson Mandela vẫn chưa được công bố.


(Gafin) 

Wednesday, June 26, 2013

Bí ẩn quanh vụ bê bối tình báo lớn nhất lịch sử Mỹ


Những ngày gần đây, cái tên Edward Snowden - cựu nhân viên cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được nhắc đến thường xuyên trên các mặt báo. Snowden chính là người đã tiết lộ những bê bối nghe lén tuyệt mật của cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Các chuyên viên về an ninh Mỹ nói rằng có lẽ cần phải chờ một khoảng thời gian nữa mới đánh giá hết tác động khủng khiếp của vụ việc.
Hậu quả khôn lường

Những tiết lộ về các kỹ thuật mà NSA dùng để theo dõi các cú điện thoại và những lần truy cập Internet của những người bị nghi là khủng bố đã khiến cho các chuyên viên an ninh như Steve Bucci thuộc tổ chức Heritage lo ngại. Ông này nói: "Hiện thời, các phần tử khủng bố biết chúng ta đang theo dõi và dự đoán các hành động của chúng. Chuyện đó gây nguy hại cho các hoạt động chống khủng bố". Ông Bucci nói các nhóm khủng bố sẽ thay đổi cách truyền đạt thông tin sau vụ tiết lộ này và Mỹ "không thể tiên đoán những gì chúng sẽ làm".

Cơ quan mật vụ Mỹ đã so sánh "vụ Snowden" với vụ đào tẩu của các nhân viên mật mã NSA là William Martin và Mitchell Bernon năm 1960. Họ đã tiết lộ nhiều phần mềm gián điệp Mỹ. Cho đến nay, NSA coi vụ này là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử cơ quan mật vụ. Vụ Snowden có thể còn vượt qua vụ Martin và Mitchell. Thật vậy, những tiết lộ của Snowden về chương trình nghe trộm PRISM đã gây ra những tranh cãi rộng khắp thế giới. Người thì ủng hộ quyết định công khai của Snowden, người thì phản đối hành động thiếu suy nghĩ đó của anh.

Những người chỉ trích nói rằng, chương trình này đe dọa tới việc bảo vệ quyền riêng tư và vượt khỏi giới hạn của những luật lệ của Mỹ về hoạt động tình báo nhằm ngăn chặn những vụ tấn công khủng bố. Tuy nhiên, NSA cũng có lý của họ. Nếu từ bỏ chương trình theo dõi thì sự an toàn của người dân Mỹ sẽ bị đe dọa bởi các thành phần khủng bố và các nhóm hồi giáo cực đoan như vụ việc nổ bom Boston diễn ra cách đây hai tháng.

Dù nhiều tranh cãi nổi lên, nhưng rõ ràng, Snowden đang vi phạm nghiêm trọng vào quy định bảo mật thông tin của NSA, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính quyền Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, bà Diane Feinstein nói rằng, Snowden đã phạm tội "mưu phản" và phải bị truy tố. Bên cạnh những tranh cãi và truy bắt "kẻ phản quốc" Snowden, nhà báo Glenn Greenwald của báo Guardian, người viết bài về chương trình PRISM theo thông tin từ Snowden lại bất ngờ tuyên bố: Tôi vẫn còn nhiều tài liệu quan trọng khác để công bố và còn có hàng chục câu chuyện nữa từ khối tài liệu do Snowden cung cấp. Chúng tôi sẽ đăng tải cho đến đề tài cuối cùng".

Thêm tiết lộ động trời

Chính phủ Mỹ tấn công mạng nhắm vào các nhà mạng di động Trung Quốc để thu thập dữ liệu từ hàng triệu tin nhắn điện thoại, theo tiết lộ của Edward Snowden trên tờ South China Morning ngày 22/6.

Snowden cung cấp thông tin cho tờ The Guardian (Anh), tiết lộ Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã thu giữ một lượng lớn dữ liệu điện thoại và internet trong một chương trình của NSA có tên PRISM.

"NSA tiến hành các đợt tấn công mạng nhắm vào nhà mạng điện thoại di động Trung Quốc để trộm dữ liệu tin nhắn", South China Morning ngày 22/6 dẫn lời Snowden.

Các số liệu từ chính phủ Trung Quốc cho biết trong năm 2012, người dân Trung Quốc trao đổi với nhau gần 900 triệu tin nhắn điện thoại.

Các điệp viên Mỹ cũng đã tấn công mạng hệ thống máy tính của đại học danh tiếng Thanh Hoa ở Bắc Kinh hồi tháng 1 và công ty mạng cáp quang khu vực Thái Bình Dương Pacnet hồi năm 2009, South China Morning ngày 22/6 dẫn lời Snowden.

Snowden tiết lộ rằng đại học Thanh Hoa là mục tiêu tấn công mạng của chính phủ Mỹ, vì đây là nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng học tập.

Theo Snowden, đại học Thanh Hoa còn là điểm kết nối sáu trục đường truyền internet chính của Trung Quốc, nơi mà NSA có thể thu thập hàng triệu dữ liệu từ người dân Trung Quốc.

Công ty Pacnet, có trụ sở ở Hong Kong và Singapore, sở hữu 46.000 km đường dây cáp quang internet và có mặt tại 13 quốc gia.

Sau vụ "phạm luật nghiêm trọng" này, người ta muốn biết "kẻ phản quốc" Edward Snowden là ai? NSA là tổ chức gì và làm thế nào mà một nhà thầu tư nhân như Booz Allen lại được quyền tiếp cận bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia?
Những điều ít biết về Edward Snowden

Snowden, 29 tuổi, tiết lộ tài liệu mật vì anh ta cho rằng quyền hạn giám sát của chính phủ Mỹ đã trở "quá đáng" đến mức anh cảm thấy bắt buộc phải tố cáo.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian, Edward Snowden nói: "Công chúng cần phải quyết định xem các chương trình và chính sách (theo dõi công dân) này đúng hay sai".
Edward Snowden có được kỹ năng máy tính xuất sắc tại một trường cao đẳng cộng đồng. Anh tham gia lực lượng quân dự bị năm 2004, nhưng chỉ tại ngũ có 4 tháng sau khi bị gãy cả hai chân. Công việc đầu tiên mà anh làm cho NSA trên cương vị nhân viên bảo vệ, trước khi làm công việc liên quan đến công nghệ thông tin cho Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) tại Geneva, Thụy Sĩ ,vào năm 2007.

Edward Snowden rời CIA vào năm 2009 để làm việc cho các nhà thầu tư nhân, trong đó có công ty máy tính Mỹ Dell và công ty tư vấn Booz Allen Hamilton. Trong khi làm việc cho Booz Allen, Snowden đã làm việc cho chi nhánh của NSA tại Nhật Bản và sau đó ở Hawaii.

Chương trình nghe trộm PRISM

Cơ quan An ninh Quốc gia NSA, có trụ sở ở Fort Meade, Maryland - là một cơ quan tình báo thu thập thông tin trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong nhiều năm qua, chính phủ Mỹ hiếm khi thừa nhận sự tồn tại NSA và ngân sách của nó vẫn còn là điều bí mật. Về cơ bản, NSA nghe lén tất cả các thông tin liên lạc nước ngoài và mã hóa tất cả các thông tin liên lạc của chính phủ Mỹ.

Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Tổng thống George W. Bush đã ký một sắc lệnh bí mật cho phép NSA tiến hành giám sát điện thoại và Internet ở nước Mỹ.
Khi chương trình PRISM bị tiết lộ vào năm 2005, chính quyền Mỹ đã lên tiếng bảo vệ nó là cần thiết để phát hiện giao tiếp giữa những phần tử khủng bố tiềm tàng. Chương trình có từ thời Tổng thống George W. Bush (Bush con) này đã tiếp nối dưới thời Tổng thống Barack Obama.

PRISM là tên mã của một chương trình giám sát những người sử dụng điện thoại và Internet trên phạm vi rộng của NSA, một chương trình bị Edward Snowden tiết lộ. Một số "gã khổng lồ công nghệ cao" của Mỹ như Apple, Facebook, Google và Microsoft… có liên quan đến chương trình này.

Tung tích của Edward Snowden, người đang bị Mỹ truy lùng gắt gao, đang là một câu hỏi lớn khi có tin anh này đã rời khỏi Nga.
Hành tung bí ẩn

Hôm qua, chính quyền Mỹ cảnh báo các nước không nên cho phép Edward Snowden, nhập cảnh hoặc mượn đường bay di chuyển đến nơi trú ẩn. Trong thời gian qua, Snowden ẩn náu tại Hong Kong để tránh sự truy lùng của Mỹ sau khi bị khởi tố tội gián điệp, ăn cắp dữ liệu chính phủ và chuyển tài liệu mật cho người không có thẩm quyền. Vẫn đang thương thảo với Hồng Kông về việc dẫn độ, đến sáng qua, giới chức Mỹ "ngã ngửa" khi biết Snowden đã đáp máy bay sang thủ đô Matxcơva của Nga, theo Reuters. Một số nguồn tin cho biết mục tiêu của Snowden là đến Ecuador xin tị nạn, có quá cảnh qua Cuba và Venezuela.

Theo AFP, trong ngày 24/6, hàng chục phóng viên tập trung tại sân bay Sheremetyevo ở Moscow và chờ sẵn ngay cửa một máy bay sang Cuba thuộc hãng Aeroflot. Tuy nhiên, cho đến khi máy bay này cất cánh vẫn không hề thấy bóng dáng Snowden. Có vẻ như người này lại tiếp tục có một màn đào thoát ngoạn mục khi Interfax dẫn nguồn tin an ninh cho biết Snowden đã bí mật rời khỏi Nga vào chiều 24/6 nhưng không phải bằng chuyến bay nói trên. Cùng ngày, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino cho biết nước này đang xem xét yêu cầu tị nạn của Snowden.

Những diễn biến trên khiến Mỹ hết sức giận dữ và có nguy cơ làm xấu thêm quan hệ giữa nước này với Nga và Trung Quốc. AFP dẫn lời Ngoại trưởng John Kerry cáo buộc Snowden là "kẻ phản quốc" và cảnh báo "sẽ có hậu quả ảnh hưởng quan hệ với Trung Quốc và Nga". Trong khi đó, chính quyền Hồng Kông tuyên bố họ để Snowden rời khỏi vì yêu cầu đòi người của Mỹ "không đáp ứng được các yêu cầu pháp lý của Hong Kong". Trung Quốc thì tránh né mọi cáo buộc cho rằng nước này đã dàn xếp sự ra đi của Snowden.

AFP dẫn lời một số chuyên gia Nga và Hong Kong thì cho rằng sự xuất hiện của Snowden là "mỏ vàng từ trên trời rơi xuống" đối với giới tình báo Bắc Kinh và Matxcơva. "Tôi tin rằng Snowden đã được khai thác tối đa về các thông tin mật của Mỹ trước khi rời Hong Kong", chuyên gia Johnny Lau nói, còn một cựu quan chức an ninh Nga nhận định: "Chắc chắn Snowden và các nhân viên tình báo Nga đã có một đêm không ngủ ở Matxcơva".

Cũng theo giới quan sát, việc để Snowden ra đi sau khi đã lấy được thông tin là bước đi khôn ngoan của Nga và Trung Quốc khi vừa không phải vướng vào cuộc chiến pháp lý - ngoại giao dai dẳng với Mỹ vừa không khiến dư luận trong nước bực bội.

Nguồn: gafin

Trung Quốc đi đêm với Taliban và ván cờ Tân Cương


Không phải đột nhiên Trung Quốc hoan nghênh đột phá trong tiến trình thương lượng hòa bình  giữa Mỹ và Taliban ở Qatar. Vì từ lâu Trung Quốc đã bí mật thiết lập quan hệ với phe Taliban để chuẩn bị cho các kịch bản ở Afghanistan hậu 2014.

Theo các cuộc phỏng vấn các quan chức và chuyên gia ở Bắc Kinh, Washington, Kabul, Islamabad và Peshwar, thì trong suốt năm ngoái, Trung Quốc tìm cách mở rộng những tiếp xúc trực tiếp với phe Taliban và cho rằng vì những lý do chính trị bao gồm các nhóm ly khai ở khu Tân Cương của Trung Quốc đến việc bảo vệ các đầu tư vào tài nguyên của họ ở nước này.

Trong khi Bắc Kinh muốn chứng kiến cuộc thương lượng hòa bình đi đến kết quả trong việc ngăn không để Afghanistan quay trở lại cuộc nội chiến, họ không tin vào kết cục đó và do vậy đang chuẩn bị tinh thần làm việc với bất kỳ một tập hợp lực lượng chính trị nào xuất hiện ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân.

Phiến quân Taliban

Phiến quân Taliban
Trong khi thậm chí các cuộc gặp gỡ sơ bộ của Mỹ và châu Âu với phe Taliban gây chú ý dư luận thì những vụ Trung Quốc làm ăn lớn với phe này dường như không bị phát hiện. Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 và phe Taliban bị sụp đổ, Bắc Kinh vẫn lặng lẽ duy trì quan hệ với lực lượng Quetta Shura, hội đồng lãnh đạo của Taliban đóng ở bên kia biên giới trong đất Pakistan.

Trong một cuộc trò truyện, một cựu quan chức Trung Quốc cho rằng ngoài Pakistan, Trung Quốc là nước duy nhất tiếp tục duy trì mối quan hệ này.

Trong suốt 18 tháng qua, các cuộc trao đổi diễn ra một cách định kỳ, và Trung Quốc bắt đầu thú nhận sự tồn tại của mối quan hệ đó trong các cuộc gặp với các quan chức Mỹ. Có tin nói rằng đại diện của Taliban đã có các cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc ở cả Pakistan và Trung Quốc.

Trung Quốc chỉ lo việc của mình

Mặc dù khả năng Trung Quốc tích cực ủng hộ cho cuộc thương lượng hòa bình đã được đem ra thảo luận, nhưng dường như chỉ tập trung vào một loạt chủ đề hẹp hơn của Trung Quốc, như một chuyên gia Pakistan ghi nhận: “Cho đến nay chủ yếu tập trung vào việc giảm thiểu mối quan ngại về an ninh của Trung Quốc, chứ không phải vấn đề hòa giải”.

Trong cách làm ăn của Trung Quốc với phe Taliban, phong trào đòi độc lập giữa những người Hồi giáo tiểu số Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc luôn luôn là mối quan tâm lớn nhất.

Trong cuối thập niên 1990, Bắc Kinh lo ngại rằng chính quyền Taliban ở Kabul đã cung cấp một nơi ẩn náu cho các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ, những người đã trốn khỏi cuộc đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương và thiết lập các trại huấn luyện ở Afghanistan.

Tại các cuộc họp trong tháng 12 năm 2000 ở Kandahar, lãnh đạo ẩn dật Mohammed Omar của Taliban đảm bảo với đại sứ Trung Quốc ở Pakistan, Lu Thụ Lâm, rằng Taliban sẽ không "cho phép bất kỳ nhóm nào sử dụng lãnh thổ của mình để tiến hành bất kỳ những hoạt động như vậy" chống lại Trung Quốc.

Đổi lại, Omar tìm kiếm hai điều từ phía Trung Quốc: chính thức công nhận về mặt chính trị và bảo vệ trước các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Không bên nào thỏa mãn yêu cầu của bên kia. Phe Taliban đã không trục xuất các chiến binh Duy Ngô Nhĩ khỏi lãnh thổ của mình. Mặc dù vẫn cấm không cho họ hoạt động trong các trại của riêng, nhưng cho phép họ kết nối với các nhóm chiến binh khác, chẳng hạn như Phong trào Hồi giáo Uzbekistan.

Đồng thời, Trung Quốc điều chỉnh lập trường của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bằng cách bỏ phiếu trắng đối với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Taliban, và thiết lập quan hệ thương mại để giúp giảm thiểu tác động của các biện pháp này, nhưng Trung Quốc lúc đó đã không sử dụng quyền phủ quyết của mình.

Bắc Kinh trì hoãn quyết định công nhận ngoại giao đối với Taliban, mà phản ứng của Washington đối với các cuộc tấn công ngày 11/9 đã sớm dập tắt mọi nỗ lực theo hướng này.

Tuy nhiên cả hai bên đều nhận biết rằng họ vẫn có thể làm ăn với nhau. Đại sứ của Taliban khi đó ở Pakistan đã miêu tả người đồng nhiệm Trung Quốc ở Islamabad cuối thập kỷ 1990 như là “một người duy nhất duy trì mối quan hệ thân thiện” với Taliban.

Trên thực tế, Trung Quốc đang chuẩn bị ký kết một số hợp đồng kinh tế ở Kabul ngay trong ngày xẩy ra các vụ tấn công khủng bố vào Tòa tháp đôi và Lầu Năm Góc ở Mỹ.

Kể từ đó Trung Quốc đã thiết lập được mối quan hệ làm việc tốt với chính phủ của ông Karzai mà chưa từng bị quân khởi nghĩa coi là trở nên quá gần gũi với chính phủ ở Kabul. Ngày nay, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc vẫn là đảm bảo rằng không một lãnh thổ nào dưới sự kiểm soát của Taliban được dùng làm căn cứ cho các nhóm chiến binh Duy Ngô Nhĩ.

Toán tàn quân nhỏ của các tay súng người Duy Ngô Nhĩ – có lẽ chỉ chừng 40 người – chủ yếu đang đóng căn cứ ở vùng Waziristan Bắc của Pakistan, một khu vực nằm dưới ảnh hưởng của một viên chỉ huy có quan hệ với lực lượng Taliban của cả Afghanistan và Pakistan.

Trung Quốc đang tìm kiếm một bảo đảm rằng việc chứa chấp người Duy Ngô Nhĩ sẽ không xảy ra trên một diện rộng ở trong đất Afghanistan.

Họ cũng muốn khoản đầu tư hàng tỷ USD ở Afghanistan được bảo vệ không bị Taliban tấn công. Dự án kinh tế lớn nhất của Bắc Kinh, mỏ đồng Aynak, đang nằm trong vùng có mạng lưới của lực lượng Haqqani mạnh, rất thân cận với Taliban.

Giao dịch của Trung Quốc với các phần tử nổi dậy Hồi giáo cũng nhằm ngăn ngừa rủi ro mà Taliban có thể quyết định coi công dân, các khoản đầu ỏa hoặc thậm chí là đất nước Trung Quốc là một mục tiêu hợp pháp.

Chiến binh đã đổ lỗi cho Trung Quốc về quyết định phát động một cuộc tấn công vào Thánh đường Đỏ năm 2007 của chính phủ Pakistan, một thành trì ủng hộ Taliban tại Islamabad, và họ đã trả đũa thẳng thừng bằng một loạt các cuộc tấn công vào nhân  công Trung Quốc ở Pakistan.

Hiện nay Bắc Kinh cũng đang ngày càng lo lắng về quan điểm của các nhóm liên kết với Taliban đánh giá chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương như thế nào. Vụ nổ súng vào một người phụ nữ Trung Quốc ở Peshawar trong năm 2011 là trường hợp đầu tiên (và duy nhất) mà một phát ngôn viên Taliban ở Pakistan gắn một cuộc tấn công nhằm "trả thù đối với việc chính phủ Trung Quốc giết chết anh em Hồi giáo của chúng tôi" ở Tân Cương, khu vực hầu hết người Duy Ngô Nhĩ sinh sống.

Tuy nhiên, các nguồn tin ở Pakistan từng tiếp xúc với các tư lệnh chiến binh nói rằng lãnh đạo cấp cao của Taliban không muốn làm mếch lòng Trung Quốc, cho rằng họ đã có quá nhiều kẻ thù.

Lực lượng Taliban của Afghanistan tiếp tục thấy có lợi với các mối quan hệ khăng khít với một trong số ít nước có khả năng kiềm chế những nhà tài trợ Pakistan đôi khi trở nên rất độc đoán của họ.

Kết quả là, theo các nguồn tin Trung Quốc đã từng làm việc chặt chẽ với Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh, người đối thoại Taliban đã cung cấp một sự bảo đảm như vậy cho Trung Quốc như họ đã từng đưa ra trong quá khứ: họ sẽ không cho phép Afghanistan được sử dụng như một căn cứ của các cuộc tấn công, và muốn phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nhưng nguồn tin cũng nói rằng các quan chức Trung Quốc vẫn lo ngại.

Họ nghi ngờ về khả năng và thiện chí của phe Taliban không thể thực hiện được những lời hứa của mình, đặc biệt về vấn đề thánh địa cho các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ, và Trung Quốc sợ rằng một thắng lợi của phe Taliban ở Afghanistan có thế làm suy yếu Pakistan và khu vực.

Chính vì vậy mà Bắc Kinh đã không ngừng quan tâm muốn thấy một cuộc dàn xếp chính trị ở Afghanistan mang lại đảm bảo về một sự cân bằng quyền lực bền vững.

Mỹ hài lòng

Mỹ chia sẻ mục tiêu cơ bản về một Afghanistan ổn định, và sau nhiều năm thúc đẩy Kinh tăng thêm sự dính líu vào khu vực đó, các quan chức Mỹ nói rằng họ cảm thấy hài lòng khi Trung Quốc năng động hơn ở khu vực.

Các quan chức Trung Quốc thậm chí còn nêu với đồng cấp Mỹ về khả năng Bắc kinh sử dụng kênh tiếp xúc riêng của họ với phe Taliban để giúp hỗ trợ thêm cho cuộc thương lượng hòa bình.

Vậy thì liệu Bắc Kinh có đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc thương thuyết hòa bình sắp tới giữa Kabul, phe Taliban và Mỹ? Có thể là không.

Bất chấp được sự ủng hộ tạm thời của cả ba bên, Bắc Kinh bị cản trở không những bởi tính cẩn trọng của họ đồi với việc dính líu vào một tiến trình đầy mạo hiểm, mà còn do quan hệ với Islamabad.

Pakistan rõ ràng cảm thấy không thoải mái với sự hiện diện của người bạn thân thiết nhất trong một lĩnh vực chính sách mà trước đó Bắc Kinh đã sẵn sàng nhượng vai cho họ.

Tuy nhiên, lập trường của Trung Quốc có thể trở nên hữu ích đối với các nhà thương thuyết của Mỹ tại Doha nếu cuộc thương lượng tiến triển. Trong khi Bắc Kinh vẫn còn phải thận trọng với mối quan hệ song phương của họ với Pakistan, họ biết rằng họ đang có lợi thế, và họ sẽ sẵn sàng gây áp lực khi những lợi ích quan trọng của họ bị đe dọa.

Trung Quốc giành ưu tiên cao cho ổn định ở Afghanistan, trên cả việc duy trì ảnh hưởng của Pakistan ở khu vực. Các nguồn tin ở Bắc Kinh theo dõi cuộc thương lượng giữa hai bên nói rằng các quan chức đã nói rõ điều này với Islamabad.

Trong những năm 1990, Trung Quốc không chú ý đến khu vực khi Afghanistan rơi vào cuộc nội chiến và lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước. Giờ đây với việc các lợi ích to lớn của họ bị đe dọa, họ không muốn lại nhìn thấy những câu chuyện tương tự diễn ra sau khi Mỹ rút quân vào năm 2014.

Tuy nhiên, nếu lịch sử lặp lại, không có giải thưởng cho việc đoán xem nước nào sẽ là nước đầu tiên cử một phái đoàn doanh nghiệp đến Kandahar ngay sau khi Taliban trở lại nắm quyền.

Phạm Ngọc Uyển (Tổng hợp)

(Bao Datviet)