Việc ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa XI, đang trở thành tâm điểm bàn tán rôm rả trên khắp các trang mạng lề trái và blog cá nhân. Sẽ không có gì đáng bàn cãi nếu tin đồn từ một số trang thông tấn vỉa hè không trùng khớp với kết quả trước khi hội nghị TW 7 bế mạc.
Tư duy theo kiểu ăn ốc nói mò, đoán già đoán non may rủi sao lại trúng, các trang mạng vỉa hè này thừa thế xông lên, lập tức cho ra lò bài viết có tiêu đề rất kêu “Nhân sự Bộ Chính trị: tin vỉa hè, tin chính thống”, với lời lẽ vô cùng tự mãn rằng “trận địa thông tin đang thuộc về blog cá nhân và truyền thông xã hội, giờ thì lại thêm một bằng chứng nữa về sự thảm hại của báo chí môn bài”. Một số kẻ cơ hội cũng tranh thủ thời cơ kiếm chác, bàn luận một cách tích cực, không quên thêm thắt những câu chuyện thâm cung bí hiểm. Loạt bài viết được chế biến, nhào nặn một cách công phu thành những bản tin sốt dẻo như: “Tin đồn được xác nhận; Hội nghị Trung ương và nẻo đường tin tức; Dự thảo diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 7; Tình báo Trung Quốc lấy cắp được kết quả Hội nghị Trung ương 7…”. Dựng chuyện vốn dĩ là nghề của các tay bồi bút này.
![]() |
Phiên họp hội nghị Trung Ương 7. |
Thậm chí một số trang blog lề trái còn phán rằng “Tin đồn về ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị đã được truyền thông chính thống xác nhận. Như vậy TTXVN đưa tin sau TTX vỉa hè đúng một tuần?…”. Thật nực cười, tôi nghĩ bản thân người viết bài này chí ít cũng xuất thân từ nghiệp báo, vậy mà chuyện đơn giản vậy cũng không thông? Báo chính thống đưa tin sau không có nghĩa thông tin họ chậm hơn báo vỉa hè. Vì là báo chính thống nên phải có nguồn tin cụ thể, chính xác thì mới có thể truyền tải tới độc giả, chứ không phải tạp nham như mấy báo vỉa hè, xem truyền thông như một cái chợ rồi tự cho mình cái quyền muốn nói, muốn viết gì cũng được, miễn sao có lợi cho cá nhân là được.
Thực tế, việc bổ sung nhân sự vào Bộ Chính trị phải đưa tin sau khi bế mạc Hội nghị mới đúng và chính xác nhất, người đọc cũng sẽ thấy tin tưởng hơn với nguồn tin này. Các trang mạng vỉa hè đưa tin sớm, thêm bớt, bàn tán này nọ thì có giúp ích gì cho nước nhà hay chỉ tổn phá nước? Suy cho cùng thì cũng là “cái tôi” của họ quá lớn mà thôi, họ muốn được mọi người công nhận mình giỏi, mình có tài quan sát, nên phán bừa, phán đại để trở thành… “Thánh phán”, việc làm này chẳng khác nào tự PR mình như câu chuyện “Nude để thiền” làm nổi sóng dư luận mới đây.

"Nude để thiền". Ảnh minh họa.
Trở lại vấn đề trên, sở dĩ gọi họ là “thánh phán” vì các trang này thường xuyên cho ra lò những bài viết nóng, giật gân, không có nguồn tin rõ ràng. Cũng giống như việc trong khoảng thời gian 10 ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 7, các trang này đã lợi dụng triệt để cơ hội có một không hai về việc bầu bổ sung nhân sự Bộ Chính trị để đồn đoán, tung ra loạt những bài viết tiên liệu, về việc bầu ai, bỏ ai như: “Điềm gở trước Hội nghị Trung ương 7”, “Tin nóng về Hội nghị Trung ương 7 họp tới nửa đêm”, “Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 7 giống cảnh chợ chiều”, “Hội nghị Trung ương 7 – ai sẽ là trưởng ban nội chính và ban kinh tế Trung ương?…”. Đa phần các bài viết đều cầm đèn chạy trước ô tô, dựa trên suy đoán của người viết, còn không thì lại sử dụng chiêu tỏ ra nguy hiểm rằng theo một nguồn tin lộ lọt chúng tôi biết được, thêm thắt một ít thông tin thực tế nữa là hoàn thành một bản tin gây tò mò, thu hút sự chú ý của người đọc. Có thể những người làm báo chân chính cũng đã đoán trước được kết quả này nhưng họ không hành động như các trang báo vỉa hè, tung hỏa mù khiến người dân bị lạc trong mê trận thông tin, mà họ bình tĩnh quan sát, đến khi có kết luận cuối cùng, thật chính xác họ mới đăng tải.
Việc tin tức về nhân sự Bộ Chính trị khóa XI bị “lộ lọt” ra ngoài có thể do một số thánh phán từ các trang mạng vỉa hè suy diễn, bịa đặt. Nhưng lý do này xem ra vẫn chưa đầy đủ… vì nhiều người sẽ đặt nghi vấn tại sao tin đồn lại có thể trùng khớp với kết quả Hội nghị Trung ương 7 đưa ra? phải chăng có những cá nhân không tuân thủ quy định của Nhà nước để “lộ lọt” thông tin truyền ra bên ngoài?
Dù vì nguyên nhân gì thì thông tin nhân sự Bộ Chính trị bị đưa ra bàn tán, thêu dệt bên ngoài cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Hội nghị, của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kèm theo những câu chuyện thêu dệt rằng nội bộ đang đấu đá, tranh giành đã khiến lòng dân hoang mang, lạc vào trận địa thông tin rác khó có thể kiểm chứng rõ ràng dẫn đến mất định hướng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Vậy nên, không thể nhắm mắt làm ngơ để những hành động như vậy tái diễn. Nếu thông tin là do các trang vỉa hè đồn đoán thì chính quyền các cấp cần sớm có biện pháp ngăn chặn, xử phạt nghiêm nếu không sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ người đọc mất dần thói quen tìm kiếm thông tin trên báo chí chính thống mà sa vào những tin tức vỉa hè… Trường hợp thông tin là do một cá nhân nào đó trong nội bộ Đảng tung ra thì cần sớm điều tra, làm rõ để đảm bảo bí mật Nhà nước, an ninh trong các cuộc họp, hội nghị lần sau. Vì những người ngồi trong khán phòng của Hội nghị Trung ương 7, đa phần đều là lãnh đạo cấp cao, cũng đều thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nếu thực sự ai đó truyền thông tin này ra ngoài thì đây là hành động không thể chấp nhận được, những “con sâu làm rầu nồi canh” nếu không sớm xử lý, chặn đứng thì lấy gì đảm bảo những sự việc đáng tiếc như thế này sẽ không tái diễn lần nữa?
Bạn đọc Phú Vinh
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả) / Nguyễn Tấn Dũng
No comments:
Post a Comment