Giải phóng Đà Nẵng
Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, là căn cứ quân sự liên hợp khổng lồ của Mỹ-ngụy. Cơ quan đầu não của các quan, binh chủng, Bộ tư lệnh quân đoàn 1 ngụy, các cơ quan đại diện Chính phủ T.Ư ngụy, đại diện các đảng phái phản động đều đóng tại đây. Những ngày tháng 3-1975, thành phố sôi sục khí thế cách mạng, từ quận Nhất, quận Nhì, quận Ba hàng chục chi bộ Đảng cơ sở được thành lập, các cơ sở hợp pháp, bất hợp pháp lên đến hàng nghìn người, liên lạc chặt chẽ với lực lượng cách mạng bên ngoài thành phố. Ta đã xây dựng được hai bộ phận nghiệp đoàn ngư nghiệp với hơn 2.000 quần chúng, khu căn cứ lõm K20 xây dựng được 52 tự vệ mật, rút 74 thanh niên ra căn cứ học tập để chuẩn bị khởi nghĩa. Thế trận chuẩn bị chiến dịch giải phóng Đà Nẵng đã sẵn sàng.

Ngày 25-3, Bộ Chính trị họp nhận định thời cơ đã đến và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Chỉ thị cho Khu ủy và Quân khu 5 chuẩn bị tích cực và khẩn trương cho chiến dịch tiến công Đà Nẵng. Thường vụ Khu ủy, Quân khu 5 hạ quyết tâm đẩy nhanh tốc độ giải phóng toàn khu trong thời gian ngắn nhất. Đối với thành phố Đà Nẵng, Thường vụ Khu ủy chủ trương giải phóng theo phương án phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quần chúng nổi dậy với lực lượng vũ trang nội thành chiến đấu và chủ lực từ bên ngoài theo phương châm tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố. Đồng chí Bí thư Khu ủy chỉ thị cho Quảng Đà dù phương án nào cũng phải làm cho địch tan rã tại chỗ, không để địch co cụm về phía Nam, không để địch cưỡng ép dân đi vào Nam, phải bảo vệ thành phố nguyên vẹn, chủ động tiếp tế, cứu trợ cho dân, không để dân bị đói.
Đặc khu ủy quyết định thành lập Ban chỉ huy tiền phương do đồng chí Trần Thận- Bí thư Đặc khu ủy làm Chính ủy, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của khu ủy và quân khu 5 như đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân cùng với bộ chỉ huy tiền phương về Quảng Đà trực tiếp theo dõi và chỉ đạo cuộc tiến công và nổi dậy ở thành phố...Thường vụ khu ủy phân công đồng chí Hồ Nghinh-ủy viên thường vụ khu ủy trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Đà Nẵng cùng với đặc khu ủy. Các mũi công tác thành phố gồm đấu tranh chính trị, binh vận, an ninh, công đoàn, thanh niên, phụ nữ, mặt trận...đều tổ chức ra quân phối hợp hành động. Các Ban cán sự được chuyển thành ủy ban khởi nghĩa, toàn thành phố đã thành lập được 27 ủy ban khởi nghĩa hướng dẫn các cơ sở may cờ, phát triển lực lượng tự vệ, chốt giữ các vị trí...Phụ nữ thành phố thành lập 20 ủy ban khởi nghĩa, huy động hàng chục xe cơ giới chuẩn bị đón bộ đội vào thành phố. Các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên ngoài việc tổ chức lực lượng khởi nghĩa tại chỗ còn huy động quần chúng tham gia nổi dậy trong thành phố...

Quân giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng.
Từ ngày 27-3, các lực lượng vũ trang đã tiến công, nhân nổi dậy làm chủ hàng loạt các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, thị xã Hội An. Hòa Vang là vành đai bảo vệ Đà Nẵng, chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy diễn ra rất khẩn trương, quyết liệt, đêm 27-3, hơn 3.000 binh lính tại Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm nổi dậy làm binh biến, nhiều trận đánh ác liệt diễn ra ở Hòa Phước, miếu Bông, chốt điểm cầu Tứ Câu, Cầu Đỏ trên QL1... Hướng Đông, quân giải phóng và nhân dân tấn công làm chủ khu vực Hòa Hải, sân bay Nước Mặn, đồn pháo binh Hoàng Hoa Thám...
Các cánh quân giải phóng như gọng kìm ngày càng siết chặt Đà Nẵng. Lực lượng địch lúc này còn khá đông, trên 10 vạn quân, nhưng đều trong tình trạng hỗn loạn. Nguyễn Văn Thiệu cho chuyển gấp 20.000 khẩu súng "tiếp viện" cho Đà Nẵng, ra sức kêu gào "Tử thủ Đà Nẵng". Mỹ cho lập cầu hàng không đưa cố vấn Mỹ và sĩ quan cao cấp ngụy cùng gia đình di tản vào Sài Gòn càng gây thêm sự rối loạn trong hàng ngũ địch, chúng bắn giết lẫn nhau để tranh nhau đi di tản, tinh thần quân ngụy suy sụp đến cực điểm. Trước tình thế đó, Bộ Tổng tham mưu điện chỉ đạo Quân khu 5: "Không chờ lực lượng tăng cường. Vấn đề then chốt là diệt quân đoàn 1 ngụy và sư lính thủy đánh bộ, không cho chúng chạy về co cụm ở Sài Gòn".

Đảng ủy Bộ tư lệnh mặt trận quán triệt tư tưởng "5 nhất": kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất, chắc thắng nhất. Mờ sáng ngày 28-3, tất cả cán bộ chỉ huy Khu ủy chia làm 2 hướng từ căn cứ Hòn Tàu tiến về Đà Nẵng. 7 giờ ngày 29-3, bộ chỉ huy tiền phương của Khu ủy, Quân khu ủy V và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 đã thống nhất quyết tâm giải phóng Đà Nẵng trong ngày 29-3. Lúc này, địch trong thành phố đã hoang mang, dao động cực độ. 5 giờ sáng ngày 28-3, ta bắn pháo lớn khống chế sân bay, bến cảng, sở chỉ huy quân đoàn 1, bán đảo Sơn Trà... địch càng hỗn loạn hơn. 22 giờ ngày 28-3, Ngô Quang Trưởng- viên tướng được đánh giá là giỏi nhất trong hàng ngũ tướng VNCH đã bỏ nhiệm sở, lên máy bay lên thẳng bay ra hạm đội 7, trốn về Sài Gòn, bỏ mặc binh sĩ dưới quyền ở Đà Nẵng.
Được tin này, đồng chí Trần Hưng Thừa- Thường vụ đặc khu ủy, Bí thư quận 1 từ nội thành đã viết thư hỏa tốc báo cáo Thường vụ đặc khu ủy, đề nghị đưa lực lượng vào giải phóng thành phố ngay. Sáng sớm ngày 29-3, tại nhà số 245 - Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, đồng chí Trần Hưng Thừa đã phát lệnh khởi nghĩa trong nội thành. Ủy ban khởi nghĩa các quận, khu phố và các cơ sở của ta đã nhanh chóng tổ chức quần chúng xuống đường chiếm lĩnh các cơ quan, công sở ngụy quyền, phá cửa nhà lao Kho Đạn, giải thoát cho 700 cán bộ, chiến sĩ tù đày, bổ sung vào lực lượng khởi nghĩa. 8 giờ ngày 29-3, pháo ta bắn cấp tập vào bán đảo Sơn Trà, các cánh quân giải phóng từ nhiều hướng ào ạt tiến vào Đà Nẵng. 11 giờ, đơn vị dẫn đầu của Quân đoàn 2 đã vào đến đường Hùng Vương, nhân dân mừng rỡ ào ra đường phố đón mừng quân giải phóng. 12 giờ 30 ngày 29-3-1975, quân chủ lực, tự vệ, biệt động thành phố đã tiếp quản Tòa thị chính ngụy quyền. Lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam phấp phới tung bay trên nóc Tòa thị chính ngụy chính thức báo hiệu thành phố Đà Nẵng đã được giải phóng.
Đà Nẵng hôm nay
TP.Đà Nẵng sẽ đón mừng kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng (29.3) bằng hàng loạt sự kiện nổi bật.

Đua thuyền trên sông Hàn
Theo UBND TP, hai công trình trọng điểm là cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý sẽ chính thức được khánh thành vào sáng 29.3.
Cầu Rồng thép lớn nhất thế giới sẽ khánh thành vào sáng mai, 29/3/2013
Theo tin từ một hãng truyền thông quốc tế, hệ thống cáp treo mới đặt qua thung lũng Bà Nà tại thành phố Đà Nẵng đã thiết lập bốn kỷ lục thế giới và có tên trong sách kỷ lục Guinness.Là cây cầu thứ 6 bắc qua sông Hàn, cầu Rồng được thiết kế với hình dáng thân rồng bằng thép dài 560m, nặng hơn 9.000 tấn có thể phun lửa và phun nước, dự kiến sẽ đăng ký kỷ lục Guiness là “con rồng thép lớn nhất thế giới”. Cùng đó, cây cầu dây văng có trụ tháp nghiêng hình chữ Y ngược Trần Thị Lý cũng được đánh giá là cây cầu có kiến trúc độc đáo nhất nhì Việt Nam.
Cũng trong ngày mai, 29/3, tuyến cáp treo số 3 Bà Nà sẽ được đưa vào hoạt động.
Cáp treo Bà Nà được công nhận là dài nhất thế giới (5,771 mét), ngoài ra, nó còn có độ chênh lệch lớn nhất giữa ga trên và ga dưới (1,369 mét). Tuyến đường sở hữu khối dây cáp dài nhất thế giới với tổng chiều dài là 11,587 mét.
Cáp treo Bà Nà được công ty CWA Constructions của Thụy Sĩ và công ty Áo Doppelmayer Cable hợp tác xây dựng. Tuyến cáp sẽ được khánh thành vào ngày mai, 29/3, đúng vào ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. Tuyến cáp treo có 86 cabin, mỗi cabin có thể chở được 10 người, công suất phục vụ hành khách là 1500 người mỗi giờ.
Sáng nay, 28/3, lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm thành phố đã được tổ chức trọng thể với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và lực lương vũ trang của địa phương. Ngành du lịch cũng được đánh dấu với sự kiện khai trương đường bay Hồng Kông-Đà Nẵng do hãng Cathay Pacific khai thác.Đặc biệt, triển lãm trưng bày với chủ đề “Di sản chung của chúng ta” sẽ được tổ chức tại Bảo tàng điêu khắc Chăm, bắt đầu từ ngày 28.3. Đây là kết quả của dự án hợp tác do UNESCO và Quỹ tín thác Nhật Bản tài trợ với sự tham gia của các bảo tàng, trung tâm bảo tồn di sản của 3 nước Đông Dương. Dự kiến sẽ có 22 panô cùng các hiện vật về các di sản của Campuchia, Lào và Việt Nam được đưa ra trưng bày. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi cũng được tổ chức như: Liên hoan sân khấu hài không chuyên TP.Đà Nẵng 2013 (từ 26 - 28.3 tại Trung tâm văn hóa thành phố); Chương trình âm nhạc đường phố (tối 29.3 ở đường Bạch Đằng); Trưng bày sách chuyên đề nhân kỷ niệm ngày giải phóng (28.3 tại Thư viện Khoa học - Tổng hợp); Hội thi vẽ tranh thiếu nhi với chủ đề “Em yêu biển - đảo quê hương” (27.3 tại đường Bạch Đằng), Giải bóng đá sinh viên Huda Cúp lần thứ 7, Giải bóng đá nhi đồng thành phố, Giải cờ tướng, cờ vua, bóng bàn, đua thuyền truyền thống...
Huỳnh Trọng Đô
(Blog Google Tiên Lãng)
No comments:
Post a Comment