Monday, December 23, 2013

Cha đẻ khẩu AK-47 qua đời

Kỹ sư Nga, Mikhail Kalashnikov, người sáng chế ra khẩu súng Kalashnikov (AK), vừa qua đời ở tuổi 94.

Ông sinh vào ngày 10/11/1919 trong một gia đình nông dân Nga.

Khẩu AK được ông sáng chế vào năm 1947. Đây là một trong những loại vũ khí phổ biến nhất thế giới, và được coi là biểu tượng của nổi dậy và cách mạng.

Ông Mikhail Kalashnikov vừa qua đời ở Nga

Tuy trở nên nổi tiếng, ông Kalashnikov lại không kiếm được nhiều tiền từ khẩu AK. Ông từng phàn nàn rằng lẽ ra ông có thể giàu hơn nếu thiết kế ra một cái máy cắt cỏ.

Ông sinh vào ngày 10/11/1919 trong một gia đình nông dân Nga ở làng Kurya, địa phận Altai. Trong gia đình có đến 18 đứa con, ông là một trong 6 người sống sót qua thời niên thiếu.

'Không phải lỗi của tôi'

Kalashnikov gia nhập Hồng Quân vào năm 1938, và với khả năng thiết kế của mình, ông đã nâng cao hiệu quả của vũ khí và thiết bị dùng trong xe tăng của quân Xô Viết.

Khi ông bị thương vào tháng 10/1941, do chiếc xe tăng của ông trúng đạn pháo quân Đức, Kalashnikov bắt đầu thiết kế thứ vũ khí giúp ông trở nên nổi tiếng.


Quân đội Đức thời đó đã đi đầu trong việc chế tạo ra loại tiểu liên kiểu mới, thứ vũ khí kết hợp sự chính xác của súng trường kiểu cũ với sức mạnh của súng bán tự động.


Quân Xô Viết lúc đó đã rơi vào thế yếu so với vũ khí tân tiến của quân Đức.

Khi được điều trị trong bệnh viện, một chiến sĩ Hồng Quân đã hỏi ông tại sao quân Nga không tạo ra được một khẩu súng mạnh như của quân Đức.

“Rồi tôi thiết kế nên một khẩu súng máy cho các chiến sĩ,” Ông nói.” Nó được gọi là Avtomat Kalashnikova - khẩu súng tự động của Kalashnikov.”

Ông hoàn chỉnh khẩu súng của mình vào năm 1947, sau đó nó được chính thức dùng với cái tên AK47.
Loại tiểu liên mới được sử dụng vào năm 1949, và ông Kalashnikov được trao giải thưởng Stalin hạng nhất.

Đó là một trong nhiều giải thưởng mà ông có được, trong đó có 3 huân chương Lê Nin và anh hùng Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa.

Vào năm 1987, ông trở thành công dân danh dự của Izhevsk, nơi ông làm việc từ năm 1949.

Nguyên tổng thống Nga Boris Yeltsin đã thăng quân hàm thiếu tướng cho ông vào ngày sinh nhật thứ 75.

Tuy vậy, do cấu tạo đơn giản của khẩu súng, ông không nhận được nhiều quyền lợi tài chính từ sáng chế của mình.

Hàng chục nhà sản xuất vũ khí ở nhiều nước đã bắt chước sáng chế khẩu Ak, nhưng rất ít trả tiền bản quyền.
Khi ông đã 83 tuổi, Kalashnikov được cho là sở hữu 30% cổ phần của một công ty Đức để họ được dùng tên của ông trên sản phẩm ô che mưa và nước khoáng.

Nhưng chắc chắn người ta sẽ nhớ tới ông nhiều hơn với khẩu AK.

Ông phủ nhận những cáo buộc rằng khẩu súng của ông đã giết hại nhiều người.

“Mục đích của ông là tạo ra vũ khí để bảo vệ lãnh thổ và quê hương,” ông nói.

”Nó được dùng ở các vùng xung đột không phải là lỗi của tôi. Chính sách tạo ra sai lầm, chứ không phải người thiết kế.”

Đôi khi, cả hai phe chính phủ và quân nổi dậy đều dùng súng AK để bắn nhau như tại Wadi Mardum, Libya, nơi quân khởi nghĩa và chính quyền Gaddafi giao tranh hồi tháng 9/2011.

Thế giới cũng nhắc đến hình ảnh Osama Bin Laden thuộc mạng lưới Al-Qaeda xuất hiện trên một hình ảnh qùy gối nhắm bắn từ súng AK.


Một số nhóm mafia tại châu Mỹ Latinh cũng 'tôn thờ' khẩu súng này tới mức nạm vàng vào súng.

'Ông Dương Trung Quốc không nên dạy bảo thiên hạ'

Một nhà ngoại giao Việt Nam nói sử gia Dương Trung Quốc 'coi nhẹ' chuyện hoa hậu VN đeo băng sai tên nước và có những bình luận 'phản tác dụng'.

Trong bài phỏng vấn được đăng trên Bấm Tạp chí Quê Hương, trang thông tin của Uỷ ban Nhà nước về Người việt ở Nước ngoài của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, đã đưa ra một số thông điệp gửi dân biểu, sử gia Dương Trung Quốc.

"Đã là một nhà sử học, khi những sự việc động đến Quốc hiệu, đến tên đất nước, vì làm Sử đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối, không những vậy còn là Sử dân tộc, Sử đất nước nữa nên ông phải là người chạm lòng đầu tiên mới đúng," ông Sơn nói.

Thứ trưởng Sơn là Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Vào ngày 6/12, ông Quốc được Bấm báo Văn Hóa dẫn lời trong phỏng vấn với báo này nói rằng nhận xét của một thứ trưởng [Nguyễn Thanh Sơn] về sự cố cô Trần Thị Quỳnh đeo dải băng ghi sai chữ “Vietnam” thành “Vietnem” của hoa hậu trong một cuộc thi sắc đẹp trên đấu trường quốc tế là một sự “sỉ nhục” đã “gây một sự phản cảm lớn”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc được dẫn lời nói không nên "nâng tầm quan trọng hoá” việc này và rằng "trong việc này trách nhiệm không chỉ có ngành văn hóa. Bởi những hoạt động văn hóa của VN ở nước ngoài thì Bộ Ngoại giao phải tham gia vào theo dõi chứ không phải riêng ngành văn hóa."

Trước đó, ông Nguyễn Thanh Sơn trả lời báo Đất Việt rằng "sự thật thì hoa hậu Việt không phải chỉ dốt sử Việt mà còn dốt nhiều thứ khác" và "Chúng ta cần chú trọng bồi dưỡng cho hoa hậu những kiến thức lịch sử trước các cuộc thi sắc đẹp."

"Ông cho rằng tôi nhận xét đây là sự "sỉ nhục" là mang tính thậm xưng thì tôi xin nhắc lại với ông Dương Trung Quốc rằng tôi cũng đồng tình với ý kiến của xã hội.

"Tôi cũng như hàng nghìn người dân đã có ý kiến coi đó là sự sỉ nhục thì đâu có quá đáng, sai sót này không còn trong khuôn khổ phường xã, mà che giấu được, nó mang tầm cỡ quốc tế.

'Toàn dạy bảo'

"Là một nhà sử học mà ông coi nhẹ chuyện Hoa hậu đeo băng sai tên nước, cầm cờ ngược, chí ít cũng phải lên tiếng cho rằng đây là một sai sót nặng nề, ảnh hưởng đến quốc gia thậm chí có nhiều ý kiến còn cho rằng hơn cả sự sỉ nhục.

"Việc ông Quốc chưa hiểu hết ý của tôi mà đã phát biểu thì chỉ làm mất đi uy tín của ông. Tôi nghĩ qua vụ việc này, ông Dương Trung Quốc nên dùng những kiến thức Sử học của mình để giúp cho các Hoa hậu.

"Tôi cũng xin lưu ý lại ông rằng, ông là nhà sử học, là đại biểu Quốc Hội, ông phát biểu sao cho đúng tinh thần xây dựng, còn tôi nghe tất cả các trả lời của ông Dương Trung Quốc thì mang tính dạy bảo nhiều hơn là góp ý, ông dạy cả Bộ Ngoại giao, dạy cả Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, dạy tất cả xã hội cách phối hợp, ứng xử với nhau.

"Tôi cảm ơn ông đã có lời dạy bảo, ngược lại tôi cũng xin lưu ý ông sau khi ông lưu ý tôi, nếu có dạy thì cũng phải dạy cho đúng chỗ, đúng người, đúng việc. Không nên phán, không nên dạy như vừa rồi thành ra phản tác dụng.

"Mặt khác, tôi xin lưu ý thêm ông Dương Trung Quốc trong phát biểu trả lời phỏng vấn thì nên khiêm tốn trong phạm vi trình độ nhận thức, kiến thức của mình." ông Sơn nói.

Trần Thị Quỳnh (bên phải) đã gửi thư xin lỗi và xin được tha thứ.

Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam cũng tỏ ý rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam không nên cùng gánh vác trách nhiệm trong sự cố kể trên vì điều ông gọi là bộ "không biết về cuộc thi hoa hậu này".

"Nếu có yêu cầu sự giúp đỡ của Cơ quan đại diện Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng cùng chia sẻ trách nhiệm, nhưng chúng tôi không có bất kì thông tin nào thì tham gia ra sao, thưa ông Dương Trung Quốc," ông Sơn nói.

Vào cuối tháng 11, Ban tổ chức phía Trung Quốc của cuộc thi Hoa hậu Quý bà Thế giới, tức Mrs. World 2013, đã gửi thư cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam để Bấm xin lỗi về việc ghi sai tên nước Việt Nam thành ‘Viet Nem’.

Sử gia Dương Trung Quốc 

Dải băng có ghi chữ ‘Viet Nem’ này đã được thí sinh đại diện cho Việt Nam là Trần Thị Quỳnh đeo trong đêm chung kết hôm thứ Bảy ngày 23/11 tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.

Trong khi đó, bản thân cô Trần Thị Quỳnh cũng gửi một lá thư riêng nhận sai và ‘chân thành gửi lời xin lỗi’ đến ‘đất nước và nhân dân Việt Nam’ và ‘cầu mong sự tha thứ’.
Sự cố này đã làm bùng lên làn sóng chỉ trích cô Quỳnh và Ban tổ chức Mrs. World 2013 trên các diễn đàn mạng.

Ông Dương Trung Quốc gần đây thu hút sự chú ý của dư luận vì đã không bấm nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp sửa đổi phiên bản 2013, trước đó, ông cũng từng đưa ra gợi ý về 'văn hóa từ chức' trước Thủ tướng Chính phủ tại một phiên chất vấn ở Quốc hội.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng được biết tới như một nhà ngoại giao có một số phát biểu, Bấm bình luận từng gây sự chú ý trong dư luận, cộng đồng Việt Nam ở trong lẫn ngoài nước.

BBC

Tuesday, December 17, 2013

Đôi điều nhắn nhủ Nhà sử học Dương Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn

Sau khi ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, lên tiếng nhận xét cho rằng việc Hoa hậu Trần Thị Quỳnh trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu quý bà thế giới 2013 đeo dải băng ghi sai tên nước, cầm cờ ngược là một sự “sỉ nhục”, Nhà sử học Dương Trung Quốc, ngày 6/12 đã lên tiếng cho rằng Thứ trưởng đã có những phát ngôn mang tính thậm xưng, khôi hài. Để Nhà sử học hiểu thêm về những phát biểu của mình, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã có đôi điều nhắn nhủ.

Khi nhắc đến bài phỏng vấn của ông Dương Trung Quốc trên Báo Văn hóa ra ngày 6/12, Thứ trưởng cho biết: “Vừa qua, tôi đã thấy bài phát biểu của ông Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn báo Văn hóa. Trước hết, sau khi xem xong bài phỏng vấn này, tôi định không lên tiếng, bởi vì không phải trẻ con mà lời qua tiếng lại. Nhưng xét cho cùng bài phỏng vấn của ông Dương Trung Quốc trả lời báo Văn hóa cũng có một số vấn đề cần trao đổi lại để hiểu rõ vấn đề”.

ĐBQH Dương Trung Quốc
Thứ nhất, ông Dương Trung Quốc là một nhà sử học thì sau khi sự việc Hoa hậu đeo băng sai tên nước, cầm cờ ngược xảy ra, ông phải là người nghiêm khắc phê phán cùng với đông đảo ý kiến của xã hội. Thử hỏi đất nước ta từ thời vua Hùng dựng nước đến bây giờ có tên nào là Việt Nem. Tên này từ đâu ra trong suốt cả chiều dài lịch sử của chúng ta hàng 4000 năm dựng nước và giữ nước. Từ thưở khai sinh đất nước, toàn những tên hay: Văn Lang, Đại Việt…, Việt Nam dân chủ cộng hòa, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.
Đặc biệt, đã là một nhà sử học, khi những sự việc động đến Quốc hiệu, đến tên đất nước, vì làm Sử đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối, không những vậy còn là Sử dân tộc, Sử đất nước nữa nên ông phải là người chạm lòng đầu tiên mới đúng.
Thứ hai, ông nhận trả lời phỏng vấn của tờ báo là cơ quan ngôn luận của cơ quan đang có sự việc xảy ra, nguyên chuyện này đã là không nên. Đây là cơ quan có sự cố, trả lời theo hướng bao che, bênh vực, xoa dịu dư luận thì đâu còn tính khách quan nữa.
Không những vậy, ông còn nói không nên đưa vấn đề lên báo chí làm gì, điều này  hoàn toàn ngược lại với dư luận xã hội. Như vậy có khác nào chúng ta phớt lờ dư luận, cả hệ thống truyền thông báo chí coi như không biết gì, hoạt động không hiệu quả. Thiết nghĩ, không nên che giấu khuyết điểm, coi thường tự tôn dân tộc khi sự việc nghiêm trọng như vậy xảy ra.
Thứ ba, ông cho rằng tôi nhận xét đây là sự “sỉ nhục” là mang tính thậm xưng thì tôi xin nhắc lại với ông Dương Trung Quốc rằng tôi cũng đồng tình với ý kiến của xã hội. Bởi vì sau sự việc sai sót này, tôi cũng như hàng nghìn người dân đã có ý kiến coi đó là sự sỉ nhục thì đâu có quá đáng, sai sót này không còn trong khuôn khổ phường xã, mà che giấu được, nó mang tầm cỡ quốc tế.
Trước hết, như tôi đã trả lời phỏng vấn Báo Đất Việt, chúng ta có rất nhiều nhà Việt Nam học, rất nhiều học giả, rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu về văn hóa truyền thống, lịch sử Việt Nam. Chắc hẳn những người này họ cũng thấy buồn với sự cố xảy ra. Là một nhà sử học mà ông coi nhẹ chuyện Hoa hậu đeo băng sai tên nước, cầm cờ ngược, chí ít cũng phải lên tiếng cho rằng đây là một sai sót nặng nề, ảnh hưởng đến quốc gia thậm chí có nhiều ý kiến còn cho rằng hơn cả sự sỉ nhục. Ông Dương Trung Quốc nói gì trước dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, ông nhắc nhở tôi nên sử dụng ngôn từ đúng lúc, đúng chỗ, đúng bản chất sự việc, tôi cho rằng đối với một người như ông Dương Trung Quốc mà nghe phát biểu của tôi mới chỉ hiểu một nửa đã có nhận xét vội vàng là không nên.
Tôi nói sự việc này rất buồn cười mà cười ở đây còn nhẹ, cười ở đây tôi nói không phải là cười hài hước mà là cười bi, cười cho một sai sót rất là ấu trĩ nhưng lại ảnh hưởng đến quốc gia, chứ đây không phải khôi hài. Ông Dương Trung Quốc nói tôi khôi hài đặt trong vị trí này là ông mới chỉ hiểu một nửa, đặt trong bối cảnh này không nên khôi hài, tôi đâu có khôi hài, đây là cười trong nước mắt, cười chua xót.
Bây giờ các bạn cứ thử hỏi du khách nước ngoài đến Việt Nam ấn tượng về văn hóa ẩm thực của họ là gì, dứt khoát họ trả lời Nem hoặc Phở. Như vậy, là với phát biểu của tôi, ông Dương Trung Quốc mới chỉ hiểu một nửa. Trong hoàn cảnh này tôi thấy rất nghiêm túc, rất nghiêm trọng nhưng thực sự nực cười, một khuyết điểm lớn như vậy mà không ai phát hiện ra để đến khi dư luận xã hội phát hiện.
Việc ông Quốc chưa hiểu hết ý của tôi mà đã phát biểu thì chỉ làm mất đi uy tín của ông. Tôi nghĩ qua vụ việc này, ông Dương Trung Quốc nên dùng những kiến thức Sử học của mình để giúp cho các Hoa hậu, có ý kiến cho Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch để đưa những sự kiện chính xác hơn. Kiến thức sử học rất cần bồi dưỡng cho Hoa hậu, rất nhiều Hoa hậu xưa nay tôi đã từng nghe, hỏi lịch sử đất nước thì không biết gì, hỏi một đằng, trả lời một nẻo. Tôi không muốn nhắc lại, nhưng cả đất nước đều biết.

Hoa hậu Trần Thị Quỳnh đeo băng sai tên nước tại cuộc th
Hoa hậu Trần Thị Quỳnh đeo băng sai tên nước tại cuộc thi
Tôi thiết nghĩ, những kiến thức sử học, kiến thức địa lý, truyền thống dân tộc rất cần trang bị cho Hoa hậu nếu ta còn tham gia. Tôi đề nghị bài phỏng vấn này, ông Dương Trung Quốc nên trích lại những ý mình nói, muốn phê phán hay dạy thiên hạ thành một cuốn giáo trình, dạy cho các Hoa hậu để họ có thêm kiến thức tự tin hơn, không có sai sót.
Thứ Tư, một vấn đề nữa là ông Dương Trung Quốc lưu ý tôi. Vì ông Dương Trung Quốc lưu ý tôi nên tôi cũng xin lưu ý lại ông rằng, ông là nhà sử học, là đại biểu Quốc Hội, ông phát biểu sao cho đúng tinh thần xây dựng, còn tôi nghe tất cả các trả lời của ông Dương Trung Quốc thì mang tính dạy bảo nhiều hơn là góp ý, ông dạy cả Bộ Ngoại giao, dạy cả Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, dạy tất cả xã hội cách phối hợp, ứng xử với nhau. Trong khi ông có phối hợp với tôi đâu, dù gì cũng nên trả lời cho khách quan, chân thực.

Tôi không phải người thích đăng đàn diễn thuyết ở chỗ này, chỗ kia, vì mình nói vớ vẩn, nói nhiều quá thì nó thành nói sai, nói dại, thiên hạ lại phê phán nói mình cứ tưởng mình là “cái rốn vũ trụ”, phê phán mình là con người cơ hội lèo lá. Tôi không thích điều này.

Mặt khác, tôi xin lưu ý thêm ông Dương Trung Quốc trong phát biểu trả lời phỏng vấn thì nên khiêm tốn trong phạm vi trình độ nhận thức, kiến thức của mình. Ông có gì để chứng minh tất cả các hoạt động này đều mời Bộ Ngoại giao tham gia không, mà chúng tôi có ý kiến, mời không được mời, thông tin cũng không, chúng tôi nhảy vào tham gia, tham gia cái gì? Nếu có yêu cầu sự giúp đỡ của Cơ quan đại diện Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng cùng chia sẻ trách nhiệm, nhưng chúng tôi không có bất kì thông tin nào thì tham gia ra sao, thưa ông Dương Trung Quốc?


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn


Thứ Năm, tôi cũng sẽ không trả lời ông Dương Trung Quốc nữa vì ông đã dùng câu, “tiên trách kỷ – hậu trách nhân”, ông chưa trách kỷ mà đã trách nhân. Trước tiên, ông hãy có ý kiến với cơ quan mà để xảy ra sự việc, rồi hãy trách tôi. Xưa nay, tất cả các sự việc đã nêu tôi cũng chỉ muốn nói với tấm lòng chân thành, muốn góp ý để xây dựng một ngành du lịch vững mạnh, có một nền văn hóa thực sự đậm đà bản sắc dân tộc để xứng đáng với tình cảm và sự quý trọng mà bạn bè quốc tế đã dành cho ta.

Và tôi xin nhắc lại rằng tôi không có sự hằn thù, mâu thuẫn cá nhân hoặc có ý nói xấu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch hay lãnh đạo Tổng cục Du lịch. Mặt khác, chúng tôi còn có sự hợp tác và quan hệ cá nhân rất tốt.

Cuối cùng, trước việc ông Dương Trung Quốc cho rằng tôi “là người hoạt động trên lĩnh vực ngoại giao mà rất gần với văn hóa, đó là lĩnh vực UNESCO và hơn ai hết lẽ ra phải có sự chia sẻ, tạo ra sự hợp tác tốt để cho hoạt động văn hóa được tốt hơn. Đừng nên để việc xảy ra rồi mới chỉ trích”. Tôi xin nói lại rằng, nếu như tôi được tham gia ngay từ đầu những hoạt động này thì tôi sẵn sàng chia sẻ và cùng chịu trách nhiệm.

Không những thế, tôi cũng đã công tác trong ngành văn hóa hơn 10 năm, tôi hiểu ngành văn hóa cũng không ít. Chính vì vậy, những ý kiến ta đưa ra, những vấn đề ta nêu phải dựa trên cơ sở thực tế, trung thực, thẳng thắn, xây dựng, chứ không nên dùng diễn đàn của Báo Văn hóa phỏng vấn ông Dương Trung Quốc để phản bác lại ý kiến của tôi, hay làm mờ nhạt đi những ý kiến phê phán của xã hội đối với sự kiện này.

Trên đây, cũng là đôi điều tôi trao đổi với ông Dương Trung Quốc để ông thấy được cái lợi, cái hại của sự việc vừa xảy ra. Tôi không cần bình luận, không đôi co với ông thêm một lần nữa. Tôi cảm ơn ông đã có lời dạy bảo, ngược lại tôi cũng xin lưu ý ông sau khi ông lưu ý tôi, nếu có dạy thì cũng phải dạy cho đúng chỗ, đúng người, đúng việc. Không nên phán, không nên dạy như vừa rồi thành ra phản tác dụng với ông Dương Trung Quốc.


(Tạp Chí Quê Hương)

Thursday, September 12, 2013

Lén quay clip Kim Jong Un trong khách sạn, bạn gái cũ bị tử hình

Hyon Song Wol đã cố tình bí mật quay phim quãng thời gian khi hai người gặp nhau tại một khách sạn cao cấp, theo tờ báo Hồng Kông Wen Wei Po đưa tin.

  Ông Kim Jong Un (trái) và nữ ca sĩ được cho là bạn gái cũ của ông.
Ông Kim Jong Un (trái) và nữ ca sĩ được cho là bạn gái cũ của ông
 
Hyon Song Wol là ca sĩ của ban nhạc Triều Tiên nổi tiếng Pochonbo Electronic Ensemble, đã bị bắt cùng với hàng chục nghệ sĩ đồng nghiệp khác vào ngày 17/8 vì vi phạm pháp luật trong nước, cụ thể là sản xuất văn hóa phẩm có nội dung khiêu dâm. Nhóm của các ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và vũ công bị cáo buộc quay phim và bán phim khiêu dâm mà họ chính là các diễn viên.

Theo tờ Wen Wei Po, Hyon Song Wol đã bị tử hình tại một sân tập quân sự ở Bình Nhưỡng bằng 3 súng máy, mỗi súng máy bắn tới 30 viên đạn.

Một số quan chức Triều Tiên tuyên bố rằng Hyon đã không tham gia vào việc sản xuất các đoạn phim khiêu dâm và cũng không chống lại lệnh cấm xem các đoạn phim này như các điều tra trước đó đã chỉ ra.

Cô được cho là đã bị tử hình vì bí mật quay một đoạn phim khi cô ở cùng với Kim Jong Un tại khách sạn Koryo, khách sạn lớn thứ hai của Triều Tiên. Theo Đài phát thanh Á châu Tự do, Hyon với sự giúp đỡ của một người bạn nhiếp ảnh gia được cho là đã sử dụng các đoạn phim này để chứng minh với người khác rằng cô đang hẹn hò với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Sau khi được thông báo về các đoạn phim khiêu dâm, Hyon đã yêu cầu cơ quan an ninh quốc gia bắt đầu cuộc điều tra vào các nghệ sĩ, khiến cho nhóm nghệ sĩ này bị bắt. Tuy nhiên, các đoạn phim bí mật quay lại ngày cô ở cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng đã bị phát hiện. Và sau đó 3 ngày, cô đã bị tử hình.

Theo tờ Daily NK, một tờ báo trực tuyến tập trung vào các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, Kim Jong Un có thể đã thất vọng với hành vi của Hyon và do đó, đã ra lệnh thực hiện án tử hình với người tình cũ.

(Soha)

Wednesday, September 11, 2013

"Tàu chiến Mỹ sẵn sàng 'tấn công khốc liệt' Syria"

Các tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải vẫn duy trì tình trạng sẵn sàng "tấn công khốc liệt" nhằm vào Syria nếu nhận được chỉ thị từ tổng thống.

"Tàu chiến Mỹ sẵn sàng 'tấn công khốc liệt' Syria"

Đây là tuyên bố ngày 11/9 của Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus trong bối cảnh các nước vẫn đang bất đồng về giải pháp chính trị cho Syria.

Ngay cả khi Washington trì hoãn tấn công quân sự nhằm vào chính quyền Damascus để theo đuổi một giải pháp chính trị cuối cùng, thì những bình luận của ông Mabus đã gợi nhắc rằng các tàu khu trục được trang bị tên lửa hành trình của Mỹ vẫn hiện diện ở vùng biển phía Đông Địa Trung Hải khi chưa nhận được lệnh rời đi.

Phát biểu tại Đại học Quốc phòng, ông Mabus nhận định: "Hai tuần trước, khi những hình ảnh mới và ghê rợn của các cuộc xung đột ở Syria xuất hiện tràn lan trên truyền hình và máy tính bảng iPad, Hải quân và Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã hiện diện tại đây, trên Địa Trung Hải và các vùng biển ở Trung Đông. Tôi cam đoan nếu nhận được lệnh, chúng tôi sẽ tấn công nhanh chóng và khốc liệt."

Theo AFP, những bình luận của ông Mabus được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Obama có bài phát biểu trên truyền hình giải thích về hành động quân sự "hạn chế" nếu chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad từ chối đề xuất tiêu hủy kho vũ khí hóa học.

(Gafin)

Tuesday, September 10, 2013

Giành đường, tài xế đánh đấm náo loạn đường phố

Khoảng 11g30 trưa nay 10-9, trên đường Hồng Hà đoạn ngay trước sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã xảy ra một vụ va chạm giữa xe tải và taxi mà nguyên nhân là do giành đường.
Ngay sau đó, hai bên lao vào xô xát. Đầu tiên tài xế xe tải đạp gãy kiếng chiếu hậu bên phải của xe taxi, sau đó lao vào đánh tài xế taxi.
Các đồng nghiệp taxi khác thấy vậy lao vào đánh hội đồng tài xế xe tải đến chảy máu. Mãi đến khi người dân xung quanh can ngăn và công an tới giải quyết, sự việc mới kết thúc.
Vụ xô xát đã gây kẹt xe một đoạn dài trước sân bay trong khoảng 15 phút.
Chùm ảnh dưới đây do bạn đọc Huỳnh Duy gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Sau vụ va chạm, tài xế taxi mở cửa bước xuống tranh luận với tài xế xe tải
 
Tài xế xe tải lao vào đá tài xế taxi
Hai bên đánh nhau...
Các tài xế taxi khác bao vây tài xế xe tải
Tài xế xe tải bị các tài xế taxi đánh hội đồng
Sự việc khiến giao thông bị ách tắc
Chỉ khi công an đến, vụ xô xát mới kết thúc

Tội nghiệp mẫu thân ông Bill Gates

Tối qua, tôi lên mạng, đem hết tấm lòng hiệp nghĩa để ra sức kêu gọi sự bảo vệ cho một người phụ nữ Mỹ bất hạnh. Đó là thân mẫu của ngài William Henry "Bill" Gates, tác giả và chủ tịch tập đoàn Microsoft, một trong những người đàn ông quyền lực và giàu có nhất thế giới.

Trong một chú thích hình ảnh trên facebook của mình, Bill Gates dành sự quan tâm cho ngành điện Việt Nam. Với hình ảnh cây cột điện chằng chịt như mạng nhện (rất phổ biến ở các thành phố lớn như Saigon), ông bày tỏ quan ngại trước sự quá tải, cũ kỹ của lưới điện với vấn đề tăng trưởng của nhu cầu năng lượng ở nước ta.
Vốn sự quan ngại của Bill Gates là có thật, lưới điện của chúng ta có vấn đề là có thật, chỉ một cái xe ủi thiếu tính đảng cũng khiến cho hơn 10 tỉnh miền Nam mất điện cũng là chuyện chẳng xa xôi gì.
Và ngay khi hình ảnh này của Bill Gates được đăng lên mạng, Vnexpress đã có bài viết về nó. Cũng gần như ngay lập tức, một lực lượng lớn người trẻ được dạy dỗ dưới mái trường XHCN nhảy vào. Nhiều comment thể hiện được sự quan tâm đúng mức, cũng như trình độ hiểu biết của người bình luận.
Câu chuyện về nỗi khổ của mẹ ông Bill Gates nằm ở những comment còn lại. Những comment ấy ít tính văn hóa và giàu tính phồn thực.


Thực ra trong gần 5.000 có những comment phồn thực hơn nhiều, nhưng tôi xin phép chỉ đưa một comment với chữ "Đm" được viết tắt một cách trân trọng.
Có thể nói, giáo dục đất nước này đã gặp một thất bại trong công việc truyền thụ kiến thức môn Sinh học cho các học sinh cấp phổ thông. Trong riêng câu chuyện này, sự lệch lạc trong tình dục đã xuất hiện ít nhất là trong xu hướng lão dâm đã xuất hiện trong giới trẻ. Bill Gates, theo Wikipedia, sinh năm 1955, tức là mẫu thân của ông (nếu còn sống) chắc cũng phải là một cụ bà trên dưới 80 tuổi. Nhưng khi một bức ảnh về ngành điện của Việt Nam được ông đưa lên mạng, thì xuất hiện một đám trẻ nhỏ nhảy vào comment đòi quan hệ xác thịt với bà.
Ai cũng có quyền bất khả xâm phạm, đó là quyền ngôn luận. Nhưng cái quyền ấy lại phân ra kẻ khôn, người ngu. Google và các phương tiện dịch thuật không khó để những facebook-er nước ngoài có thể nhìn vào và đánh giá. Mà vốn thói quen ở đời, người ta hay đem cái tốt để khen ngợi một cá nhân nhưng lại đánh đồng cái xấu của một vài người cho cả một cộng đồng. Và, ở đây lại không phải chỉ có một comment như thế gửi tới Bill Gates.
Bill Gates chắc sẽ không bao giờ đọc những comment ấy, ông ta rất bận rộn. Nhưng 4,4 triệu lượt người thích trang cá nhân của ông ta thì có. Sau những comment thô tục với avatar cờ đỏ sao vàng trên facebook của anh giai "bị trục xuất vì quá đẹp trai" Omar Borkan al-Gala, của diễn viên Maria Ozawa, của cô dẫn chương trình trên Maxxi TV người Thái Lan Peaw Sumaporn Wandee, những phản ứng của user nước ngoài đối với các comment của lực lượng trẻ trâu Việt Nam cũng đã là một minh chứng hùng hồn.
Nhưng thôi, tôi không lạm bàn nữa về chuyện này. Người ta nói mãi rồi, nhưng chắc chắn lực lượng trẻ trâu được vũ trang bằng bàn phím kia không rỗi hơi mà đọc.
Tôi cũng là người chơi facebook, lâu rồi, tôi cũng ngó lơ những comment vô văn hóa của các trẻ trâu, thậm chí không buồn xóa chúng đi. Những bạn trẻ ấy vốn không được văn minh. Họ được trao những đặc quyền như được học hành, được pháp luật và gia đình bảo vệ, được tự do phát biểu ý kiến. Nhưng, họ lại tìm kiếm những đặc lợi khác, dù rằng những đặc lợi ấy gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, mà cụ thể ở đây là đặc lợi chửi bới thô thiển và ngu dốt.
Tôi cũng chẳng cảm thấy đau lòng, chẳng cảm thấy bất lực, và cũng không còn đủ bao đồng mà cảm thấy xấu hổ. Những gì đang xảy ra với giáo dục này, học sinh này, theo quan điểm của tôi, là hậu quả tất yếu của một nguyên nhân sâu xa khác mà tôi không tiện nói ở đây. Tôi có muốn can thiệp cũng chẳng thể nào làm được. Nhưng vì không muốn có thêm một nỗi bất hạnh nào đến với một cụ bà Hoa Kỳ khác nữa, tôi chỉ có một khát khao rằng, các trường học ở Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn nữa cho môn Đạo đức, môn Sinh học và môn Ngoại ngữ.
Chuyện xảy ra ngày hôm nay một phần cũng chỉ vì thiếu đầu tư cho những môn học ấy mà nên.
Nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết thư cho ngành giáo dục nước nhà: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. 68 năm sau, sự sánh vai với cường quốc năm châu kiểu này thì quả là một thất bại của giáo dục.
Ngày hôm nay và mai sau nữa, người phải gánh chịu thất bại ấy, chắc chắn, không chỉ có thân mẫu của ngài Bill Gates.

Theo tôi, người đàn bà Mỹ ấy không có tội. Ai có rảnh thì xin hãy chung sức với tôi.

Sinh Lão Tà

Monday, September 9, 2013

Cắt cáp đối thủ cạnh tranh

Đang yên lành, đùng một cái Công ty cổ phần Viễn thông FPT - chi nhánh TP.HCM (gọi tắt là FPT) bị một doanh nghiệp cùng lĩnh vực cắt đứt đường truyền khiến dịch vụ cung cấp internet của công ty này bị gián đoạn.


Cáp của FPT bị cắt - Ảnh: FPT cung cấp
Sự việc xảy ra tại Khu công nghệ cao TP.HCM, quận 9 (TP.HCM) và “thủ phạm” bị tố cắt cáp là Công ty cổ phần hạ tầng viễn thông CMC (gọi tắt là CMC) - một đối thủ cạnh tranh cùng lĩnh vực với FPT ở khu công nghệ cao này.
Âm thầm “thiến” cáp
Ngày 30.8, FPT nhận được khiếu nại về việc một số khách hàng (Công ty Nidec Việt Nam, Nidec Servo, FSoft) sử dụng dịch vụ viễn thông của FPT ở Khu công nghệ cao TP.HCM bị gián đoạn dịch vụ internet.
Trước phản ánh của khách hàng, FPT cử nhân viên xuống hiện trường kiểm tra. Tại đây, công ty phát hiện lỗi gián đoạn internet là do cáp treo của công ty bị cắt. Tìm hiểu sự việc, FPT nghi ngờ sự cố đứt cáp có dấu hiệu bị phá nên đã cho nhân viên mật phục tại hiện trường.
Đến trưa 3.9, tức là sau 4 ngày xảy ra sự cố, đội tuần tra của FPT đã phát hiện ông Võ Đức Tân, nhân viên của Công ty CMC - đang leo lên cột điện lực cắt một số đoạn cáp của FPT.
Sự việc sau đó được lập biên bản, lấy lời khai với sự chứng kiến của lãnh đạo Khu công nghệ cao TP.HCM, công an khu vực và đại diện hai công ty.
Ông Đinh Quang Tuấn, Phó Ban chất lượng FPT cho hay hành động cắt cáp của nhân viên CMC không vì mục đích trộm cắp tài sản thông thường mà với động cơ triệt hạ đối thủ cạnh tranh cùng lĩnh vực của Công ty CMC.
“Họ không cắt đứt hẳn cáp mà cố tình chỉ bấm đứt co thông tin phía trong cáp nên rất khó phạt hiện. Điều đáng chú ý là có rất nhiều cáp của công ty kinh doanh cùng lĩnh vực như VNPT, Viettel treo trên trụ điện nhưng chỉ có cáp của FPT bị cắt”, ông Tuấn bức xúc.
PV Thanh Niên Online đã tới trụ sở của CMC ở TP.HCM để tìm hiểu thông tin. Tại đây, chúng tôi đã gặp ông Trần Quang Minh Trí, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật của CMC và là người trực tiếp làm việc với FPT về vụ cắt cáp để hỏi thông tin. Tuy nhiên, ông Trí từ chối trả lời với lý do “không có thẩm quyền phát ngôn”.
 
Theo ông Tuấn, dấu hiệu cố tình phá hoại rất rõ ràng bởi trên mỗi dây cáp đều treo biển và số điện thoại công ty. Ngoài ra, trên thân cáp cứ cách 1m lại in chữ FPT Telecom, nhà sản xuất và ngày tháng sản xuất cáp, dung lượng cáp.
Ông Tuấn nói: “Với những dấu hiệu nhận biết rõ ràng như trên thì với dân kỹ thuật, có sơ ý đến mấy cũng không thể cắt nhầm được”.
Thống kê của  FPT, sự cố đứt cáp đã khiến công ty tốn khoảng 15 triệu đồng để mua cáp và phụ kiện thay thế. Quan trọng hơn, việc internet ngưng hoạt động đã khiến uy tín của công ty với đối tác bị ảnh hưởng. Nhiều đối tác đã liên hệ với FPT đưa ra con số thiệt hại và yêu cầu bồi thường khoảng 70-80 triệu đồng.
“Sự việc còn ảnh hưởng đến thông tin liên lạc của cơ quan quản lý Nhà nước lân cận khu công nghệ cao quận 9...”, ông Tuấn nói.
FPT cũng đã có văn bản báo cáo sự việc tới các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Công an TP.HCM, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM.
“Cả hai đều sai”
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết trước năm 2010, khi chưa có chủ trương ngầm hóa hệ thống hạ tầng (điện, nước, viễn thông) trong khu công nghệ cao, các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ đều đi cáp nổi trên mặt đất. 
Tuy nhiên, sau khi có chủ trương ngầm hóa hệ thống hạ tầng, CMC đã được Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM chọn lựa để cấp giấy phép đầu tư dự án.
“Đáng lý ra Nhà nước phải xây dựng hệ thống này nhưng theo chủ trương xã hội hóa, chúng tôi đã chọn CMC. Họ đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng hạ tầng ngầm thì nay doanh nghiệp nào muốn sử dụng đều phải thông qua và thuê lại của CMC”, bà Loan khẳng định.
Bà Loan cũng cho biết sau khi hoàn thành hệ thống ngầm, CMC cho các doanh nghiệp sử dụng miễn phí thời gian dài mà không thấy ai kêu ca gì. Từ đầu năm 2013, CMC mới bắt đầu có kế hoạch thu phí. Hiện VNPT, Viettel... đều đồng ý thuê hệ thống ngầm của CMC, chỉ riêng FPT là chưa đạt được thỏa thuận.
“Hai bên chưa hợp tác do chưa đạt được thỏa thuận về giá cả. Ban quản lý đang lên kế hoạch làm việc về vấn đề này thì xảy ra sự việc đáng tiếc trên. Trong việc này, cả FPT và CMC đều sai. FPT sai khi không có giấy phép đầu tư cung cấp dịch vụ ở trong khu công nghệ cao còn tự ý treo cáp tùm lum không coi ban quản lý ra gì. Còn CMC sai khi tự ý cắt cáp của FPT mà không có thông báo hay giải thích cho người ta hiểu”, bà Loan nói.
Ông Đinh Quang Tuấn thừa nhận việc ngầm hóa hạ tầng thay cho hệ thống nổi là xu thế chung cần phải thực hiện. Tuy nhiên, từ trước tới nay FPT chưa bao giờ nhận thông báo của Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM về chủ trương chuyển đổi này. Gần đây, ban quản lý mới có yêu cầu các nhà mạng xử lý hệ thống nổi thì xảy ra sự cố.
“Chưa kể giá thuê hạ tầng của CMC rất đắt. Nếu chúng tôi mà thuê của họ coi như hết lời lãi, thậm chí còn thua lỗ”, ông Tuấn nói.
Bà Loan khẳng định ở đây không có chuyện độc quyền. Các doanh nghiệp đều có quyền cung cấp dịch vụ viễn thông cho đối tác ở khu công nghệ cao nhưng phải tuân thủ đúng quy định bằng việc thuê lại hạ tầng ngầm của doanh nghiệp đã được cấp phép.
Cần làm rõ quy trình CMC được cấp phép có khách quan không?
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, luật sư điều hành Hãng Luật Giải Phóng cho hay luật Cạnh tranh chỉ coi doanh nghiệp liệu có độc quyền hay không khi xem xét doanh nghiệp đó có vị trí thống lĩnh dựa trên toàn thể thị trường. Còn ở đây nếu có thì CMC chỉ thống lĩnh thị trường ở trong phạm vi nhỏ hay ở quy mô dự án nên không thể áp luật Cạnh tranh xem xét trường hợp này được.
Vấn đề pháp lý cần làm rõ ở đây là vì sao Khu công nghệ cao TP.HCM lại chọn CMC làm nhà đầu tư hạ tầng ở đây mà không chọn doanh nghiệp khác. Nếu việc lựa chọn CMC thông qua công tác đấu thầu có sự tham gia của cả FPT, VNPT, Viettel… thì không có chuyện gì. Còn nếu Khu công nghệ cao TP.HCM chỉ định và cấp phép đầu tư cho CMC để đẩy các đối thủ cạnh tranh trực tiếp vào thế khó thì ban quản lý đã tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng.
“Khu công nghệ cao TP.HCM cũng cần đưa ra lộ trình cụ thể để doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi phù hợp chứ không thể nói xong là làm liền”, luật sư Hưng nói.
Trung Hiếu (Thanh niên)

Lại một kiểu mất dạy!

Có lẽ, chưa bao giờ ở đất nước chúng ta, những khẩu hiệu cách mạng, sự tôn kính dành cho lãnh tụ lại được thể hiện một cách lộn xộn như bây giờ! Những thứ đáng ra phải được vinh danh thì lại bị mang ra, "vin" vào để trục lợi, thậm chí trở thành trò đùa cho những kẻ mất dạy.
Khẩu hiệu xuyên tạc trong quán cà phê Cộng.
Gây chú ý nhất về vấn đề này trong những ngày qua vẫn là sự việc ở chuỗi quán cà phê Cộng. Chuỗi quán này đã ngang nhiên xuyên tạc khẩu hiệu “Tiến lên. Toàn thắng ắt về ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành “Ngồi im. Toàn thắng ắt về ta”. Hình ảnh của Lê Nin, Các Mác cũng bị vẽ vời đủ kiểu, rồi cuốn “LeNin toàn tập” thì bị chế thành menu với những dòng chữ nguệch ngoạc bôi bẩn. Sự kiện này đã gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Chưa bao giờ, ở nước ta, những khẩu hiệu lịch sử, những giá trị tinh thần lại bị mang ra đùa cợt như thế.
Ai cũng biết “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” là câu cuối trong Bài thơ chúc Tết năm 1968 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh phát đi trên sóng phát thanh quốc gia - đây trở thành hiệu lệnh phát động cuộc tấn công Mậu Thân lịch sử. Vậy mà, chủ của chuỗi “Cộng” cà phê sửa thành “Ngồi im…”. Đây rõ ràng là kiểu cách điệu mang hàm ý giễu cợt.
Việc chủ chuỗi quán cà phê Cộng xuyên tạc khẩu hiệu cách mạng có ý đồ gì không thì còn phải chờ kết luận từ cơ quan an ninh văn hóa nhưng việc mang những giá trị tinh thần của dân tộc, hình ảnh các bậc vĩ nhân ra “vẽ vời” và đặt không đúng chỗ đã là một việc làm không chấp nhận được.
Thật không thể tưởng tượng được việc chủ quán Cộng cho "chế" ảnh Karl Marx đội một chiếc xô bằng sắt trong khi Lenin, Stalin tay cầm ly, đầu đội phễu như trong một bữa tiệc còn Mao Trạch Đông cùng với Fidel Castro nâng cao lon Coca Cola.
Lãnh tụ - là những người có công với một dân tộc và đã khuất, họ phải được đặt ở một vị trí xứng đáng để tôn vinh, chứ không phải để vin vào mà kiếm tiền như thế! Mang hình ảnh các lãnh tụ cách mạng của thế giới ra để vẽ vời làm trò đùa là một việc làm không được phép và đi ngược lại với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Phóng viên PetroTimes đã không khỏi giật mình với những khẩu hiệu được vẽ trên một chiếc xe ôtô: “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu muôn năm. Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
“Liên hoàn khẩu hiệu” được gắn trên một chiếc xe tải không lấy gì là tử tế, sạch sẽ, phóng băng băng trên đường. Hình ảnh này lại khiến cho chúng ta nghĩ đến những chiếc xe ba gác vẫn thường gắn biển hiệu thương binh, gắn đủ các loại khẩu hiệu “yêu chế độ” nhưng kỳ thực là để thể hiện với thiên hạ “ta là thương binh” - làm cho các cơ quan chức năng, cảnh sát giao thông cũng “ngại” hơn khi xử phạt.
Ai cũng biết, xe ba gác ngoài đường, 10 xe gắn biển thương binh thì 8 ông là thương binh giả. Đã không ít lần người dân phải chứng kiến đám đội lốt thương binh này đi đòi nợ thuê, đi hành hung, gây áp lực. Những thương binh thật rất ít ai tham gia vào việc làm kiểu lưu manh như thế.
Khẩu hiệu bừa bãi, nhom nhem, chữ còn chữ mất - tài xế xe tải mang những khẩu hiệu cách mạng, khẩu hiệu tôn vinh lãnh tụ dán lên xe như một trò đùa cợt. Các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng nghiêm trị hành vi lếu láo này.
Treo các khẩu hiệu yêu nước, khẩu hiệu cách mạng không có gì là sai - điều này hoàn toàn được ủng hộ, nhưng những khẩu hiệu đó phải được đặt đúng nơi, đúng chỗ và trang trọng. Còn những kẻ lợi dụng khẩu hiệu để kiếm tiền, hàm ý cợt nhả, mang ra làm trò đùa thì cần trừng trị.
(Petrotimes)

“Tấn trò đời” đầy bi kịch của Bạc Hy Lai

Có thể nói, vụ bê bối liên quan tới cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai - nhân vật được lòng dân nhưng cũng không ít tai tiếng - đã trở thành một sự kiện đình đám của làng chính trị Trung Quốc năm 2012. Ngày 26/8 vừa qua, phiên tòa xét xử bị cáo Bạc Hy Lai đã kết thúc sau 5 ngày xét xử. Tòa án nhân dân thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, tuyên bố sẽ đưa ra bản án vào một ngày khác chưa được ấn định rõ ràng.

Thế là người hùng của thành phố Đại Liên và Trùng Khánh, một tấm gương chính trị gia điển hình có tầm nhìn và năng lực lãnh đạo ở Trung Quốc đang đau đớn ngồi chờ án. Có đường công danh liên tiếp thăng hoa nhờ tố chất “trời sinh”, cùng với xuất thân thuộc hàng “công hầu khanh tướng”, thế nhưng, “ngôi sao sáng trên bầu trời chính trị Trung Quốc” - Bạc Hy Lai giờ đã trở thành “tội đồ” sau bê bối lớn nhất kể từ nhiều thập niên trở lại đây.

Vụ việc của Bạc Hy Lai được xem là một bài học nghiêm túc cần rút kinh nghiệm đối với thế hệ lãnh đạo hiện tại và tương lai của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Tìm đồng minh trước tòa

Ngày 22/8/2013, Bạc Hy Lai lần đầu xuất hiện sau khi bị đình chỉ mọi chức vụ trong đảng, chính quyền và bị điều tra từ tháng 3/2012. Khi được phát biểu ý kiến, bị cáo Bạc Hy Lai bất ngờ phản cung lời thú tội trước đó với lý do "chịu sức ép lớn" trong quá trình điều tra. Ông Bạc không nhận mọi tội danh dành cho mình và bác bỏ gần như tất cả lời khai của các nhân chứng.

Sự điềm tĩnh và tự tin của Bạc Hy Lai trước tòa cho thấy ông ta đang thực hiện một sách lược ba bước nhằm kêu gọi sự ủng hộ từ dư luận.

Trong 5 ngày xét xử, ông ta gọi nhân chứng là "chó điên", vợ "bị điên", người bạn "cánh tay phải" một thời là kẻ gian xảo và hai mặt. Bạc Hy Lai nói không hay biết số tiền hay căn nhà mà vợ mình được tặng, cũng không tham ô số tiền dự án ở Đại Liên. Bạc Hy Lai cũng đưa ra nhiều lập luận để chứng minh sự vô tội của mình và không liên quan đến số tiền hay việc phạm tội của vợ và các cấp dưới.

Trong 5 ngày diễn ra phiên tòa, những tiết lộ về những chuyến bao trọn máy bay, các biệt thự đắt tiền, thịt thú rừng quý hiếm, chuyện tình ngoài hôn nhân, những phát ngôn mạnh mẽ và thẳng thắn của ông Bạc là những thông tin hé lộ về đời sống của ngôi sao chính trường một thời, được đánh giá là bất ngờ hiếm có.

Người ta quan sát thấy ông Bạc tìm cách chạm đến trái tim những người ủng hộ ông ta gồm chủ yếu nông dân trung thành và có suy nghĩ truyền thống - bằng cách nói rằng chiếc áo ông mặc được làm ra bởi một công ty may ở Đại Liên, và chiếc quần ông mặc là do mẹ mua cho từ những năm 1960. Biểu hiện này của Bạc Hy Lai tại phiên tòa được dư luận đánh giá là "ngoài dự đoán, bất ngờ đối với những người chống và ủng hộ ông".

Trên các trang mạng xã hội, nhiều luồng ý kiến cho rằng Bạc Hy Lai đã áp dụng sách lược ba bước đúng đắn. Đầu tiên là tỏ ra yếu ớt, chịu thỏa hiệp, chấp nhận phạm vi khởi tố ở mức nhẹ nhất để được có cơ hội tiếp xúc với dư luận. Bước thứ hai là phản cung trước tòa, phủ nhận mọi lời buộc tội. Bước thứ ba, đấu lý trước tòa với mục tiêu nhắm tới là dư luận gồm những người ủng hộ.

Quả thực, người dân vẫn rất ủng hộ Bạc Hy Lai vì cho rằng những thành tích trong quá khứ của ông không thể bị phủi sạch. Hàng chục người kéo đến đối đầu với hàng rào cảnh sát bên ngoài Tòa án Tế Nam, hô khẩu hiệu "Ủng hộ Bạc bí thư" và đòi trả tự do, phục chức cho Bạc Hy Lai.

Thậm chí, tờ nhật báo Quả táo của Hồng Kông ngày 24/8 đã đăng bài "Ông ấy bị hãm hại, ở Trùng Khánh không tìm được ai nói xấu Bạc Hy Lai". Tờ báo này cũng tung tin rằng, ông Bạc sẽ được chuyển tới "nhà tù sang trọng bậc nhất Trung Quốc" mang tên Tần Thành, ở Bắc Kinh. Nơi đây nổi tiếng vì an ninh nghiêm ngặt và là nơi giam giữ các quan chức có ảnh hưởng lớn, những tù nhân chính trị cấp cao.

Tờ báo phân tích dù Bạc Hy Lai mắc "trọng tội", nhưng chính quá khứ tươi đẹp và công lao to lớn của ông buộc phiên xét xử phải kéo dài thêm 3 ngày so với dự kiến để rồi đi tới một quyết định: ông Bạc sẽ chịu án trong một nhà tù hạng sang, được ở phòng riêng, chơi tennis và thưởng thức các món ăn đẳng cấp 5 sao.

Ngôi sao chói sáng trước khi… tắt phụt

Bạc Hy Lai sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, có cha là cựu Phó thủ tướng Bạc Nhất Ba. Vị thế này dường như đã biến Bạc Hy Lai nghiễm nhiên trở thành một trong những người được coi là thế hệ lãnh đạo kế cận của Trung Quốc. Đây chính là những tiền đề để ông bước chân vào con đường chính trị.

Bạc Hy Lai từng giữ chức thị trưởng thành phố Đại Liên - một thành phố cấp II thuộc tỉnh Liêu Ninh vào năm 1993. Hình ảnh về Đại Liên khi ấy không có gì khác là những khu nhà ổ chuột, những hẻm phố lầy lội, gập ghềnh, môi trường sống ẩm thấp, tối tăm, nặng nề và bẩn thỉu. Trước thách thức to lớn ở vị trí người lãnh đạo mới, chính trị gia họ Bạc đã quyết tâm thực hiện một chiến dịch "đẹp hóa Đại Liên" nhằm thay đổi hình ảnh thành phố trẻ và mang lại cuộc sống lý tưởng cho người dân. Ông lập tức cho phá hủy các nhà máy cũ, thực hiện phong trào trồng cây phủ xanh, xây dựng nhiều công viên, quảng trường.

Ông Bạc còn thực hiện tăng cường các biện pháp kiểm soát khâu xử lý rác thải ở các nhà máy, xí nghiệp trong chiến dịch làm trong sạch hơn 40 dòng sông bị ô nhiễm nặng thuộc địa bàn thành phố và chỉ đạo cho xây dựng nhiều khu nhà cho thuê giá rẻ đáp ứng nhu cầu của khoảng 450.000 người. Không những thế, chuyện Đại Liên còn được biết đến với hình ảnh một thành phố du lịch - dịch vụ - thương mại hiện đại, giao thông thuận tiện, có nhiều di tích lâu năm thường xuyên được tôn tạo, cảnh quan hấp dẫn và rất thanh bình.

Đến tận bây giờ, sau khi Bạc Hy Lai đã rời Đại Liên, các quan chức thành phố cũ vẫn còn nhớ hình ảnh thị trưởng họ Bạc đã tự hào như thế nào trong các cuộc họp khi lớn tiếng khẳng định rằng: "Thành phố Đại Liên là một bộ trang sức quý giá mà mỗi món đồ trong đó đều được chính tay tôi đánh bóng và nâng niu một cách cẩn thận".

Bản thân Bạc Hy Lai là một nhà lãnh đạo đầy năng lực, được cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân để mắt và ủng hộ. Ở mỗi cương vị khác nhau, Bạc Hy Lai luôn cố gắng xây dựng một hình ảnh lãnh đạo mẫu mực, một chính trị gia sắc sảo, khôn ngoan. Vì thế Bạc Hy Lai rất được đảng và nhà nước Trung Quốc chú ý đào tạo và bồi dưỡng.

Bạc Hy Lai từng được ca ngợi là người hùng của thành phố Đại Liên và Trùng Khánh, một tấm gương chính trị gia điển hình có tầm nhìn và năng lực lãnh đạo ở Trung Quốc.

Năm 2004, nhờ chứng tỏ được khả năng, Bạc Hy Lai được bầu vào Ban Chấp hành trung ương, giữ chức Bộ trưởng Thương mại. Ở vị trí này, ông ta được biết đến là một chuyên gia thương thuyết hiệu quả, góp phần bảo vệ chính sách và lợi ích của đất nước Trung Quốc trong hội nhập và thương mại quốc tế. Chính Bạc Hy Lai đã có nhiều đóng góp trong quá trình ký kết Hiệp định Thương mại Mỹ - Trung vào năm 2005. Những dư âm tốt đẹp mà Bạc Hy Lai để lại khi còn giữ chức thị trưởng thành phố cảng Đại Liên hay Bộ trưởng Thương mại đã giúp ông tiến xa hơn trên chính trường Trung Quốc.
Năm 2007, Bạc Hy Lai trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban thường vụ, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Ở cương vị mới, Bạc Hy Lai đã từng góp phần cho sự thay đổi ngoạn mục của thành phố này thời gian sau đó.

Dưới thời Bạc Hy Lai, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trùng Khánh đã khiến báo giới Trung Quốc hết lời ca ngợi. Năm 2009, Bạc Hy Lai cùng với chính quyền thành phố tiến hành một cuộc trấn áp "Đả hắc trừ ác" lớn chưa từng có, bắt giữ gần 5.000 người bị nghi ngờ là xã hội đen và những cán bộ tham nhũng, coi thường pháp luật, lập lại kỷ cương cho Trùng Khánh.

Bạc Hy Lai còn gây ấn tượng thông qua giải quyết êm thấm vụ đình công của tài xế taxi, giáo viên thành phố, không phải bằng cách cũ là cho cảnh sát bắt giữ người đình công. Ông mời những người đại diện đình công đến dự một diễn đàn cùng với ông được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình và thương thuyết điều kiện chấm dứt đình công một cách công khai.


Có thể nói cánh cửa danh vọng đang mở rộng hết cỡ trước vị chính trị gia đầy tham vọng này. Bạc Hy Lai được kỳ vọng sẽ là ứng cử viên sáng giá của thế hệ lãnh đạo thứ năm, sau Đại hội Đảng lần thứ 18 của Trung Quốc. Thế nhưng, con đường công danh của ông Bạc bỗng dưng tụt dốc thảm hại trong một vụ bê bối động trời do chính bàn tay của vợ ông - bà Cốc Khai Lai - dàn dựng, bắt nguồn từ cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood...

(CAND)